Top

Tạo lập quỹ nhà cho người thu nhập thấp

Cập nhật 05/06/2008 11:00

Sau khi đưa ra Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, dự kiến trong tháng 6-2008, Bộ Xây dựng tiếp tục trình Chính phủ Chương trình phát triển nhà ở xã hội (thuê - thuê mua) dành cho CBCNV.

So với việc thí điểm xây dựng nhà ở xã hội tại 3 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, thì đây là chương trình mang tính tổng thể, sẽ sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, nhằm tạo lập quỹ nhà ở cho một nhóm đối tượng khá đông, có nhu cầu thực, nhưng khó tiếp cận các dự án nhà ở thương mại.

10.000 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà dột nát

Theo chương trình giúp người nghèo xóa nhà dột nát, mỗi hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của Nhà nước) sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng, được vay ưu đãi 8 triệu đồng. Riêng khu vực vùng sâu, vùng xa, mỗi hộ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng tiền vận chuyển vật liệu xây dựng. Cùng với số vốn tự trang trải, Bộ Xây dựng tính toán mỗi hộ nghèo có thể tạo dựng được 1 căn nhà có diện tích tối thiểu 24m2, có đủ tường, mái, nền nhà, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Phạm vi được hưởng lợi từ chính sách là khu vực ngoài đô thị, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ đã khảo sát và nhận thấy, hiện còn khoảng 700.000 hộ nghèo, trong đó có khoảng 100.000 hộ ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hầu hết trong số đó đang sống trong những ngôi nhà dột nát, môi trường ô nhiễm nặng, không đủ các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Từ khảo sát này, Bộ đề xuất tổng kinh phí dành cho chương trình khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó 50% từ ngân sách cấp trực tiếp, 50% từ ngân sách cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài ra có thể huy động từ những nguồn đóng góp khác của các địa phương. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2008 đến năm 2011. “Chúng ta có thể thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng chống lạm phát, nhưng không vì thế mà quên các chính sách đầu tư cho an sinh xã hội”, ông Nam nói.

Xây dựng nhà ở xã hội cho CBCNV bằng ngân sách

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho CBCNV không mới. Mặc dù đã được Chính phủ giao thí điểm xây dựng nhà ở xã hội nhưng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương vẫn loay hoay về cơ chế. Đơn cử như nguồn vốn lấy ở đâu? Nếu từ ngân sách thì cân đối như thế nào? Nếu kêu gọi xã hội hóa bằng sự vào cuộc của các doanh nghiệp thì bài toán kinh doanh, lợi nhuận khi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư sẽ giải quyết ra sao? Vì thế, đến nay chưa có dự án quy mô nào được triển khai trong khi CBCNV cũng là nhóm đối tượng có khó khăn rất lớn về nhà ở.

Số liệu khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, thời điểm trước năm 1992, khi nhà ở cho đối tượng CBCNV Nhà nước còn được bao cấp, cũng mới chỉ có khoảng 30% trong số đối tượng trên đã được phân nhà. Từ năm 1992, chế độ bao cấp nhà ở bãi bỏ, việc lo phát triển nhà ở hầu như “khoán trắng” cho nhân dân tự xây dựng.

Gần đây, với mô hình khu đô thị mới, các doanh nghiệp bắt đầu vào cuộc, tính bình quân cung cấp mỗi năm hàng triệu mét vuông nhà. Song, có thực tế là các dự án này mang tính thương mại, CBCNV khó tiếp cận với dự án hoặc không đủ thu nhập để được sở hữu một căn hộ.

Vì thế, để giải quyết những bài toán trên, Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Chính phủ cho phép tạo lập quỹ nhà ở xã hội xây dựng hoàn toàn bằng vốn ngân sách cho công chức, viên chức thuê - thuê mua. Tuy nhiên, nhà ở xã hội lần này sẽ không mang hình thái bao cấp như trước đây, nghĩa là Nhà nước sẽ bảo đảm thu hồi vốn dù thời gian có thể tới 30 - 40 năm. Bởi, nếu không, chỉ chi phí cho việc bảo trì tòa nhà cũng không đủ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Bộ tính toán người sử dụng nhà ở xã hội phải dành một phần thu nhập hằng tháng (khoảng 10%) để trả tiền nhà. Khác với trước đây, nhà ở được phân cho CBCNV, Nhà nước chỉ thu một khoản tiền nhỏ không đáng kể, muốn duy tu, bảo dưỡng rất khó. Trong hoàn cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay, cán bộ, công nhân, viên chức, người có thu nhập thấp hầu như không có khả năng mua nhà ở thương mại, Nhà nước phải đứng ra tạo lập quỹ nhà ở cho những đối tượng này. Mục tiêu của Chính phủ là đông đảo người dân sẽ được tiếp cận và phải có nhà ở.

Theo Hà Nội Mới