Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Quỹ Phát triển đất TP Hà Nội (QPTĐTP) đã ứng vốn cho hàng trăm dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng nhà tái định cư (TĐC) và xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách. Dù được đánh giá đã phát huy hiệu quả, song mô hình mới này cần được tiếp tục cải tiến nhằm tạo quỹ đất "sạch" phục vụ các dự án phát triển KT-XH.
Quỹ Phát triển đất TP Hà Nội đã phát huy hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách. Ảnh: Khánh Nguyên
|
Năm 2012, từ nguồn vốn ngân sách thành phố cấp, Quỹ PTĐTP đã ứng 2.090 tỷ đồng để thực hiện hàng loạt dự án trên địa bàn. Trong đó, ứng vốn GPMB tạo quỹ đất sạch hơn 1.171 tỷ đồng cho 21 dự án. Đáng chú ý là GPMB phục vụ dự án thành phần đường trục trung tâm khu đô thị mới (KĐTM) Mê Linh (đoạn qua huyện Mê Linh và Đông Anh) gần 417,5 tỷ đồng; GPMB tạo quỹ đất sạch khu TĐC Mai Đình - Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) gần 168,5 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ và TĐC ô đất 1H Mỹ Đình (Từ Liêm) hơn 81 tỷ đồng; di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn) và khu xử lý rác Xuân Sơn (Sơn Tây) tổng cộng khoảng 100 tỷ đồng.
Cùng với đó, quỹ đã ứng hơn 680 tỷ đồng phục vụ cho 55 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở TĐC như: khu TĐC Liên Ninh và Triều Khúc (huyện Thanh Trì), khu di dân TĐC X2 Đại Kim (Hoàng Mai), khu TĐC phục vụ GPMB dự án nâng cấp, mở rộng đường nối từ QL5 vào khu công nghiệp Hapro (huyện Gia Lâm)… Ứng 236,8 tỷ đồng cho 25 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.
Ông Ngô Đức Trưng, Giám đốc Quỹ PTĐTP cho biết, năm 2012, quỹ đã ứng được khoảng 95% kế hoạch UBND TP Hà Nội giao. Sau khi ứng vốn, quỹ đã kiểm tra việc sử dụng vốn tại một số đơn vị từ khâu nhận, sử dụng vốn nhằm bảo đảm đúng kế hoạch, đúng mục đích. Nhiều dự án sau khi được ứng vốn đã triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả KT-XH. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án dù đã được bố trí vốn nhưng do ách tắc trong GPMB nên đã không thực hiện được, như dự án xây dựng tuyến đường số 3 vào KĐTM Tây Hồ Tây, dự án xây dựng khu TĐC số 1 - Cổ Nhuế phục vụ GPMB KĐTM Hà Nội, dự án đề-pô và đường dẫn tuyến đường sắt đô thị thí điểm (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) tại xã Minh Khai và Tây Tựu (Từ Liêm)…
Đánh giá về sự phối hợp giữa quỹ với các chủ đầu tư, Ban QLDA và các quận, huyện, thị xã, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban QLDA hạ tầng Tả ngạn cho rằng, dù quỹ mới được thành lập và đi vào hoạt động được hơn một năm nay, nhưng giữa các bên đã có sự phối hợp khá đồng bộ. Ban đề xuất quỹ cần sớm có kế hoạch giao vốn và rút ngắn quy trình, thủ tục thanh toán nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân để các đơn vị chủ động trong quá trình triển khai GPMB và thi công dự án. Thời gian tới, Ban sẽ chủ động hơn trong việc GPMB, tránh tình trạng sau khi nhận vốn lại không giải ngân được. Chẳng hạn như tại dự án cầu Nhật Tân trên địa bàn huyện Đông Anh, có những khu vực dù UBND huyện đã ký 15 phương án GPMB nhưng khi trả tiền chỉ có 4 hộ đến nhận. Ban đã yêu cầu cán bộ nhân viên trong những ngày tới phải mang tiền đến tận nhà dân để vừa tuyên truyền, vận động, vừa chi trả.
Tại hội nghị triển khai phương hướng hoạt động năm 2013 được Quỹ PTĐTP tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, quỹ có các chức năng chính là nhận vốn để ứng, chi trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, TĐC nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, nhất là dự án trọng điểm của TƯ và thành phố; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển KT-XH của Thủ đô; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố. Năm 2013, bên cạnh việc kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy, quỹ cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa các quy trình, thủ tục không cần thiết, bảo đảm hoạt động nhanh, khoa học và hiệu quả.
Với các dự án đã ứng vốn nếu chậm giải ngân, chậm hoàn trả vốn cho quỹ thì cần có chế tài xử lý. Nhiệm vụ quan trọng nhất của quỹ là phát triển quỹ đất theo hướng tạo quỹ đất sạch để đón các dự án phục vụ phát triển KT-XH của Thủ đô. Thành phố có 20% quỹ đất nằm rải rác trên địa bàn các quận, huyện, quỹ phải khẩn trương xây dựng hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng tổ chức đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư, phát triển dự án ngay khi có điều kiện, không thụ động chờ đến khi thị trường bất động sản "ấm" lên mới bắt tay vào làm sẽ lỡ mất cơ hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới