Trong các lĩnh vực quản lý của ngành tài nguyên và môi trường, đất đai là lĩnh vực luôn “nóng”, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đòi hỏi có những giải pháp quản lý hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.
|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang chia sẻ về kế hoạch thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường.
*
Thưa Bộ trưởng, năm 2012 đánh dấu nhiều thành công của ngành tài nguyên và môi trường với những kết quả nổi bật. Xin Bộ trưởng cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong năm 2013?
Là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, năm 2013 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2011 – 2015. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu.
Đó là triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai. Tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI).
Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách về tài nguyên và môi trường, trong đó tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi để trình Quốc hội thông qua. Trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường để tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường.
Quyết liệt chỉ đạo, triển khai đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt; giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường và hoạt động khoáng sản trên cả nước. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc và dự báo phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước theo Luật Tài nguyên nước mới được ban hành. Đồng thời triển khai thực hiện tốt các đề án, chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước.
Tập trung xây dựng quy hoạch quản lý sử dụng tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; quy hoạch quản lý tổng hợp đới bờ làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội biển, hải đảo.
Cùng với đó là kiện toàn tổ chức bộ máy ở Trung ương và địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi trường.
*
Năm vừa qua, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai đã được Bộ tài nguyên và môi trường triển khai thực hiện. Quan điểm và định hướng chủ đạo về đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?
Trong năm 2012, Bộ tài nguyên và môi trường đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai và đã được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai.
Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch ngầm còn khá phổ biến. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới chính sách, pháp luật đất đai và quy hoạch sử dụng đất. Nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải thể hiện được nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, của các ngành, lĩnh vực và làm căn cứ để Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Cùng với đó sẽ thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng thời có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng. Không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, giá trị đã đầu tư vào đất đối với các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Nhà nước sẽ chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được xét duyệt. Quy định rõ ràng và cụ thể hơn các trường hợp Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự án. Khuyến khích việc cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư.
*
Thưa Bộ trưởng, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai sẽ tác động thế nào tới công tác quản lý và thị trường bất động sản? Bộ trưởng nhận định gì về tình hình đất đai và thị trường bất động sản trong năm 2013 và những năm tiếp theo?
Trong thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất có vai trò hết sức quan trọng và có tính quyết định. Vì vậy việc sửa đổi các chính sách pháp luật về đất đai nói chung và Luật Đất đai nói riêng sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản ở nước ta.
Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này với nhiều nội dung đổi mới, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, tài chính đất đai, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, cung cấp thông tin đất đai và quyền tiếp cận thông tin đất đai... sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Đặc biệt, quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt. Tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch, sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư.
Với quy định này, Nhà nước sẽ chủ động được quỹ đất để thực hiện vai trò điều tiết thị trường thông qua quan hệ cung - cầu.
Nhằm đảm bảo sàng lọc các nhà đầu tư kém năng lực đầu cơ để trục lợi, làm thị trường bất động sản thiếu lành mạnh, dự thảo Luật quy định đối tượng được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư, ký quỹ thực hiện dự án đầu tư và không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã làm việc với Tp.Hà Nội, Tp.HCM và đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 7/1/2013 với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, sẽ hoàn thiện các văn bản về quản lý đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản; quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nghiên cứu chính sách tín dụng ưu đãi để người có thu nhập thấp có thể mua, thuê nhà để ở.
Thời gian tới sẽ tập trung rà soát các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, dự án phải tạm dừng, dự án cần điều chỉnh cơ cấu loại hình nhà ở, chuyển sang nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp.
Đồng thời, sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thủ tục điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho hoặc đang thi công cho phù hợp với thị trường, thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho mua đối với các đối tượng chính sách; nghiên cứu sớm hình thành Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản...
Với các giải pháp đồng bộ trên, tôi cho rằng, trong thời gian tới thị trường bất động sản sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy