Một khu bị sạt lở tại phường 26, quận Bình Thạnh. Ảnh: Đức Trí. |
Theo đánh giá của các ngành chức năng, đất ven kênh rạch TPHCM hoàn toàn có thể được chỉnh trang theo hướng vừa phát triển vừa góp phần bảo vệ môi trường sống tốt hơn, kể cả những vùng đất lâu nay có nguy cơ sạt lở cao.
Kênh rạch nhiều, nguy cơ cũng nhiều
TPHCM có mạng lưới sông kênh rạch thuộc loại dày đặc, dài khoảng 975km, trong đó có 693,2km sông/kênh các loại với 106 tuyến đã được phân cấp quản lý. Điều đáng tiếc là trên hệ thống sông kênh rạch chi chít này, các vụ sạt lở những năm gần đây ngày càng tăng dần cùng với mức độ nghiêm trọng, số lượng vụ việc, diện tích sạt lở… cũng tăng.
Theo khảo sát, địa bàn TPHCM hiện có hơn 100 vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Có thể nhắc đến những “điểm nóng” sạt lở tiêu biểu như: khu vực bán đảo Thanh Đa có 14 vị trí; khu vực thượng lưu sông Tắc, cù lao Long Phước trên sông Đồng Nai có 15 vị trí; cụm tuyến rạch Ông Lớn - Phước Kiển - Mương Chuối thuộc huyện Nhà Bè gồm 13 vị trí; tuyến rạch Tôm - Nhà Bè có 9 vị trí; 8 vị trí trên tuyến rạch Giòng - sông Kinh Lộ; tuyến rạch Dơi - sông Kinh có 7 vị trí…
Trong năm ngoái, trên địa bàn thành phố đã có hàng loạt vụ sạt lở đất ven sông kênh rạch xảy ra với quy mô lớn. Điển hình như vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng 20-6-2008 đã làm cho hơn 2.000m² đất ven bờ ở khu phố 5 phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức đổ ụp xuống sông Sài Gòn.
Vụ sạt lở lúc 22 giờ 30 ngày 29-6 tại khu vực đường Tầm Vu phường 26 quận Bình Thạnh đã khiến một đoạn bờ kênh Thanh Đa dài 60m, sâu 5 - 7m đổ ào xuống sông khiến cho toàn bộ khu vực phía sau của 13 căn nhà đổ nhào theo.
11 căn nhà và khoảng 80m bờ kè đang xây dựng cũng bị tiêu tan trong vụ sạt lở bờ sông tại khu vực xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè vào đầu tháng 6 năm ngoái. Đêm 28-6, hàng chục mét đất nông nghiệp gần bến đò Bình Quới phường 28 Bình Thạnh bị kéo sạt xuống sông.
Hậu quả từ những vụ sạt lở ấy khiến người dân mất nhà cửa, cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội bị trì nhịp do những xáo trộn đời sống phát sinh sau đó…
Tận dụng lợi thế tự nhiên
Hệ thống sông kênh rạch tại TPHCM đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn thông qua những biểu hiện cụ thể như giúp tiêu thoát nước mưa, nước lũ; cấp nước ngọt cho sinh hoạt và công nghiệp; giao thông thủy; cải tạo tình trạng ô nhiễm môi trường; phát triển du lịch sông nước; phát triển thủy sản…
Theo nhận xét của Tiến sĩ Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ích lợi của hệ thống sông kênh rạch thành phố là hiển nhiên thế nhưng cái thiếu là định hướng phát triển xứng tầm nhằm đảm bảo tận dụng lợi thế tự nhiên của sông kênh rạch, đặc biệt đất ven kênh rạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần cải tạo môi trường thành phố.
Các chuyên gia cho rằng điều TPHCM cần làm hiện nay là nghiên cứu sự phát triển của hình thái sông, lợi dụng xu thế xói bồi tự nhiên của sông rạch để đề ra kế hoạch khai thác theo hướng làm ổn định thế sông bằng các công trình chỉnh trị hợp lý.
Tiến sĩ Đinh Công Sản khẳng định rằng với cách làm đúng và mang tầm nhìn xa như thế, hàng loạt lợi ích sẽ đến với thành phố: không còn xảy ra mâu thuẫn, thiếu đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng như cầu qua sông, trụ điện, hệ thống cấp thoát nước… bên bờ sông kênh rạch; không còn bị động trong phòng chống sạt lở nhờ biết cần phải ưu tiên phát triển bờ kè ở những vị trí thích đáng…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng