Đã có khoảng 20 cuộc họp giữa các sở, ngành và quận, huyện từ năm 2006 đến nay để bàn về quy định tách thửa tại TPHCM. Cuối tuần qua, theo sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TPHCM và các quận, huyện, sở ngành liên quan đã họp gút lại lần cuối quy định này trước khi trình UBND TPHCM xem xét phê duyệt.
Diện tích đất ở tối thiểu phụ thuộc vào vị trí đất
Không có diện tích đất ở tối thiểu sau khi tách thửa đồng nhất cho các quận, huyện. Đó là nét chính mà các quận, huyện, sở, ngành và Sở TNMT đã thống nhất trong cuộc họp này.
Theo đó, các thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa ở khu vực các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình sau khi trừ lộ giới phải có diện tích tối thiểu 50m² và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m đối với đất chưa có nhà; diện tích tối thiểu là 45m² và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3m đối với đất ở có nhà hiện hữu tại đường phố có lộ giới lớn hơn hoặc bằng 20m; 36m² và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3m đối với đất có nhà hiện hữu tại đường phố có lộ giới nhỏ hơn 20m.
Khu vực các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và các thị trấn được quy hoạch đô thị hóa, diện tích tối thiểu được tách thửa là 80m² và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m đối với đất chưa có nhà ở và 50m² với chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m đối với đất ở có nhà hiện hữu.
Khu vực các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ các thị trấn thuộc huyện đã được quy hoạch đô thị hóa), diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 120m² với chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 7m đối với đất chưa có nhà ở và 80m² với chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m đối với đất ở có nhà hiện hữu.
Sự khác nhau về diện tích đất ở tối thiểu sau khi tách thửa là một đảm bảo cho thành phố “không bị nát ra do tách thửa”, song vẫn đảm bảo cho người dân - đặc biệt là trong nội thành - vốn là nơi “đất chật người đông” được quyền tách thửa khi có nhu cầu.
Chính vì ý nghĩa này mà quy định đã nhận được sự ủng hộ của đa số quận, huyện. Tuy nhiên, cũng không phải đã hết những băn khoăn từ một vài quận nội thành, bởi trên thực tế còn không ít người dân sinh sống trong nội thành có diện tích đất ở rất nhỏ nhưng vẫn có nhu cầu tách thửa để bán, để chia thừa kế…
Thế nhưng, các đại biểu trong cuộc họp cũng đã thống nhất, những trường hợp cá biệt như vậy sẽ được xem xét trong quá trình thực thi quy định. Bởi lẽ, nguyên tắc quan trọng của việc tách thửa là không làm cho thành phố nát ra, có nghĩa là lợi ích của cộng đồng phải được đặt lên trên lợi ích cá nhân.
Đất nông nghiệp tối thiểu sau khi tách thửa: 500m²
Các khu đất thuộc khu vực đất quy hoạch để sản xuất nông nghiệp cũng được phép tách thửa, nhưng các thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500m². Trường hợp thửa đất thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp thì không được tách thửa (sẽ có dự án đầu tư xây dựng).
Trường hợp đất phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp nhưng sau ba năm không thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nếu cơ quan có thẩm quyền (xét duyệt kế hoạch sử dụng đất) chưa điều chỉnh hoặc hủy bỏ thì được tách thửa, song diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại không được nhỏ hơn 1.000m² và không được thay đổi mục đích sử dụng đất.
Trường hợp thửa đất nằm trong khu quy hoạch sẽ chuyển sang đất ở (đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư hiện hữu) và không thuộc khu vực phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, nếu tiếp tục sử dụng là đất nông nghiệp thì được tách thửa với diện tích tách và diện tích đất còn lại tối thiểu 500m².
Cũng nằm trong trường hợp này nhưng nếu tách thửa để sử dụng thành đất phi nông nghiệp thì phải thực hiện theo đúng quy hoạch. Cụ thể như: thửa đất có diện tích từ 1.000m² trở xuống thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sang đất ở, sau đó mới tách thửa như quy định về tách thửa đối với đất ở. Thửa đất lớn hơn 1.000m² nhưng nhỏ hơn 2.000m² thì chủ đất phải liên hệ với UBND quận, huyện-nơi đất tọa lạc để lập thủ tục đầu tư hạ tầng cơ sở theo đúng quy định.
Ở đây, có yêu cầu cao hơn đối với các chủ đất có diện tích đất lớn, là vì với diện tích này nhiều nhà được phép mọc lên, nếu không có hạ tầng kỹ thuật thì hậu quả sẽ khó lường. TPHCM đã có nhiều bài học trong tình huống này, đó là việc phân lô hộ lẻ trên những thửa đất lớn thiếu hạ tầng kỹ thuật. Hậu quả là ngập nước, tắc đường, mà cho đến nay chưa giải quyết dứt điểm được.
Tách thửa để hợp với thửa đất liền kề
Thửa đất tách ra để hợp với thửa đất liền kề được phép có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định này. Tuy nhiên, diện tích thửa đất còn lại phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc khi thừa kế, hòa giải tranh chấp, có nhu cầu tách thửa, UBND quận, huyện căn cứ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị và điều kiện để cho hợp khối, nhưng diện tích đất tối thiểu của các thửa đất hình thành cũng không được nhỏ hơn 25m² đối với đất ở.
Quy định này cũng sẽ áp dụng trong trường hợp điều chỉnh ranh giữa các thửa để có hình thể thửa đất phù hợp.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng