Top

Sóng M&A đánh thức dự án trùm mền

Cập nhật 05/06/2014 13:06

Theo các chuyên gia, với động thái giao dịch và thanh khoản tăng, người mua quan tâm nhiều, thị trường đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp BĐS. Đặc biệt, đây là thời điểm vàng cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, thực hiện hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án. Làn sóng M&A đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra sôi động.

Nở rộ xu hướng M&A

Cùng với sự chuyển động ấm lên của thị trường chung, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) cũng sôi động trở lại với nhiều thương vụ đình đám. Điển hình như thương vụ Công ty Tổ chức nhà Quốc gia (N.H.O – Công ty liên doanh giữa CTCP TAG và Công ty TNHH NIBC Investment) đầu tư vào 14 dự án nhà ở tại thị trường BĐS Việt Nam của nhiều DN với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD, tương đương 21.000 tỷ đồng. Các dự án này đều tập trung ở những đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ngãi, An Giang…

Dự án Sky Park Residence (Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy) cũng vừa được chủ đầu tư Công ty Licogi 16 chuyển nhượng cho Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa với giá bán 143 tỷ đồng. Gần đây nhất, gây nhiều sự chú ý trong dư luận và giới kinh doanh phải kể đến thương vụ chuyển nhượng đình đám dự án ION Complex tại khu đất vàng 36 Phạm Hùng của CTCP Đầu tư Hải Phát cho Tập đoàn FLC.

“Chưa bao giờ nhu cầu chuyển nhượng dự án BĐS lại nhiều như hiện nay. Đặc biệt, khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc hơn chính là cơ hội, điều kiện tốt để các chủ đầu tư đang gặp khó khăn không tiếp tục theo phát triển được dự án, tiến hành bán tài sản này với giá có lợi nhất”, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn BĐS Sohovietnam, người chuyên dàn xếp các thương vụ mua bán sáp nhập dự án đình đám, trong đó có dự án Sky Park Residence và 36 Phạm Hùng cho hay.

Thị trường đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp BĐS

Giải pháp nhân văn, nhiều tác động

Theo các chuyên gia, với động thái giao dịch và thanh khoản tăng, người mua quan tâm nhiều, thị trường đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp BĐS. Đặc biệt, đây là thời điểm vàng cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, thực hiện hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án. Làn sóng M&A đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra sôi động.

“Doanh nghiệp có vốn mua lại dự án của doanh nghiệp gặp khó khăn là hoạt động kinh doanh có tính nhân văn. Bởi việc mua bán này không đơn thuần làm sống lại dự án tạo sự sôi động cho thị trường mà còn cứu doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động”, ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh nói.

Việc mua lại dự án cũng đem đến nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư. Cụ thể, mức chi phí đầu tư có khi rẻ hơn rất nhiều với việc phát triển dự án mới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng không phải mất thời gian lo thủ tục giấy tờ, giải quyết các vấn đề vướng mắc như giải phóng mặt bằng, đền bù… mà có thể tiến hành kinh doanh luôn.

Song, nói vậy không có nghĩa cứ mua được dự án với giá rẻ là nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh BĐS đã thắng. Bởi thực tế, để triển khai tiếp dự án mua lại hoặc nhận chuyển nhượng, người chủ mới cũng phải bỏ thời gian, công sức trong việc kết nối những đối tác cũ, tạo dựng niềm tin mới để công trình hoạt động đồng bộ. Rà soát lại toàn bộ khách hàng để có những giải thích thỏa đáng, cũng như duy trì hoạt động huy động vốn và bàn giao nhà sau này.

Ông Marc Townsend – Giám đốc Điều hành CBRE nhận định: “M&A không hẳn là phương án giải thoát toàn bộ tồn kho, nhưng đây thực sự là cơ hội giúp doanh nghiệp tái cấu trúc, dự án được tiếp tục triển khai, thậm chí phát triển dự án mới”. Tuy nhiên, theo ông Cần: “Không phải thương vụ M&A nào cũng thành công. Người mua cũng có sự chọn lọc. Họ chỉ mua những dự án “hoa hậu”, nghĩa là những dự án có vị trí đắc địa, triển vọng kinh doanh tốt.

Mặt khác, đôi khi, giá cả cũng không phải yếu tố quyết định thương vụ mà do có đồng quan điểm nhận định, người mua nắm bắt được ý tưởng phát triển dự án của người bán. Tóm lại là rất nhiều yếu tố: giá cả, vị trí, pháp lý và tâm lý người trong cuộc…”.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng