Nhiều hộ dân chung cư Nguyễn Văn Luông (quận 6) bất bình vì chủ đầu tư mượn nhà cộng đồng tại đây làm nơi để xe cho doanh nghiệp. Nếu có đám cưới hay ma chay, các hộ dân phải báo trước mới được trả mặt bằng.
Chung cư Nguyễn Văn Luông được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2000, thuộc khu dân cư phường 12, quận 6, TP HCM. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng giữa năm 2002, chỉ có một phòng sinh hoạt cộng đồng cho 3 lô A, B, C.
Theo phản ánh của cư dân, nhà cộng đồng đang bị biến thành bãi giữ xe riêng của chủ đầu tư. Đại diện một hộ dân sống tại đây cho hay, khi muốn tụ họp, mọi người thường ra các quán nước gần đó. Nếu có đám cưới, hội họp, tang lễ phải báo trước với chủ đầu tư thì mới có nơi tổ chức. Hiện phòng sinh hoạt nằm lọt thỏm ở mặt sau lô B, đối diện văn phòng Ban quản lý chung cư nhưng lại bị đóng cửa và khóa kín.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Ban quản lý chung cư Nguyễn Văn Luông, ông Bạch Phạm Minh Tâm thừa nhận: “Phòng sinh hoạt được Công ty Cổ phần Địa ốc quận 11, chủ đầu tư đồng thời là Ban quản lý tòa nhà mượn tạm làm chỗ để xe riêng của doanh nghiệp từ 2 tuần nay và đã thông báo cho người dân biết”.
Tuy nhiên khi được hỏi văn bản mượn nhà cộng đồng, ông Tâm phân bua rằng chỉ thông báo bằng cách truyền miệng nên nhiều người không biết thông tin, dẫn tới có đôi chút hiểu lầm. “Trung tuần tháng 6 phòng cộng đồng sẽ được trả lại cho cư dân. Hiện tại nếu hộ dân nào có nhu cầu thì công ty sẵn sàng dời xe đi”, ông Tâm nói.
Tình cảnh của cư dân chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bi đát hơn, 30 năm qua, dân cư tại đây đã chịu cảnh họp tổ dân phố ngoài hành lang vì không có nhà cộng đồng. Toàn khu chung cư gồm chừng 26 block này chỉ có một câu lạc bộ hưu trí và một tụ điểm văn hóa cho dân phòng. Tổ dân phố mỗi lần họp lại kéo ra hành lang, cầu thang choán hết cả đường đi.
Không có nhà cộng đồng, dân chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) thường
xuyên dùng hành lang và lối đi làm phòng họp tạm. Ảnh: Phú Sơn.
Anh Phú, ngụ tầng 3, chung cư Thanh Đa kể lại, hễ nhà ai có tiệc tùng lại bày bàn ghế đặt giữa hành lang, đường đi. Khó khăn nhất là chuyện ma chay, những hộ ở tầng cao phải khiêng hòm người chết lên để tổ chức tang lễ. Nhiều gia đình rút kinh nghiệm việc này đã tổ chức đám ma ở chùa hay nhà thờ.
Tương tự, dân chung cư Mỹ Thuận (quận 8) nhận căn hộ từ năm 2005 nhưng ở đây cũng không có nhà cộng đồng. Công ty M&C - chủ đầu tư đã năm lần bảy lượt hứa sẽ nhanh chóng hoàn thiện hạng mục này theo quy hoạch được duyệt, song đến nay vẫn chỉ là hứa suông. Nơi sinh hoạt chung của cư dân hiện nay là hành lang và gian sảnh của chung cư.
Không những thế, dân Mỹ Thuận còn tố chủ đầu tư đã chậm trễ và chần chừ thực hiện nhiều hạng mục công cộng khác như: nhà trẻ, công viên, hạ tầng. Chủ hộ 105B, ông Phương bức xúc: "Đã 5 năm trôi qua, Công ty M&C cứ hứa cuội về nhà cộng đồng, dân cũng nhiều lần phán ứng gay gắt nhưng chẳng đi đến đâu".
Trên thực tế, Sài Gòn tồn tại nhiều chung cư không có nhà sinh hoạt cộng đồng như: Gia Phú (quận Bình Tân), Thái An (quận 12), cụm chung cư Conic gồm 2 tòa nhà Đình Khiêm, Đông Nam Á (huyện Bình Chánh)... gây bất tiện cho sinh hoạt của người dân nhưng tất cả đều bế tắc, không tìm ra hướng giải quyết.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Đỗ Phi Hùng cho biết, trong Luật Nhà ở không có điều khoản nào đề cập đến nhà sinh hoạt cộng đồng. Thậm chí, trong Quyết định 08 do Bộ Xây dựng ban hành về quy chế quản lý và sử dụng nhà chung cư cũng không quy định gì về hạng mục này. Theo ông Hùng, nếu trong hợp đồng mua bán căn hộ không thỏa thuận về nhà cộng đồng thì không thể ép buộc doanh nghiệp thực hiện điều mà họ không hề cam kết. Tuy nhiên, ông Hùng giải thích thêm, đối với chung cư nào trong quy hoạch và hợp đồng đã định sẵn phải có nhà cộng đồng thì khách mua căn hộ có quyền yêu cầu chủ đầu tư trả hạng mục này cho cư dân.
Một quan chức của Bộ Xây dựng phân tích, hiện nay luật pháp VN chưa có điều khoản nào bắt buộc xây chung cư phải có nhà cộng đồng. Khi triển khai dự án, các chủ đầu tư đều phải tính toán nhiều yếu tố, trong đó có giá thành. Nếu có nhà cộng đồng thì giá căn hộ sẽ tăng lên, nên chưa hẳn buộc phải có hạng mục này là một hướng giải quyết tối ưu.
Vị quan chức này cho hay, trong tương lai Bộ có thể sẽ xem xét bổ sung thêm quy định về nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên không phải bất cứ chung cư nào cũng buộc phải có vì còn tùy thuộc vào vị trí và giá cả của từng dự án. Ông cũng cho rằng, trước mắt người mua nhà chung cư nên chú trọng vào mẫu hợp đồng mua bán căn hộ mà Bộ Xây dựng đã ban hành. Trong đó có đề cập cụ thể quyền và nghĩa vụ, tài sản chung, riêng trong tòa nhà, nếu cần có thể thêm vào hạng mục nhà cộng đồng để tránh những tranh chấp về sau.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress