Mặc dù từ ngày 11-6 Quốc hội (QH) mới tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn song trao đổi với báo chí trong ngày 8-6, các thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn lần này đều khẳng định đã sẵn sàng “nói thẳng” với những vấn đề “nóng”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên: Sửa toàn diện Luật đất đai, phải đợi QH khóa sau
- Tôi đã nhận được trên mười câu hỏi của các đại biểu QH, trong đó nổi lên sáu câu hỏi lớn về đất đai, bốn câu về môi trường, một câu về khoáng sản và ba câu về tài nguyên nước. Tôi đã chuẩn bị hết các câu trả lời và rất sẵn sàng trả lời các đại biểu QH một cách thẳng thắn và trách nhiệm.
Các câu hỏi tập trung về chính sách và trách nhiệm, giải pháp xử lý các vấn đề như đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đất sân golf. Về môi trường thì các câu hỏi tập trung vào chuyện khai thác bôxit ở Tây nguyên, ô nhiễm tại sông Nhuệ, sông Đáy, vụ Vedan xả thải và môi trường khu công nghiệp.
*
Nhiều đại biểu QH cho rằng dân đang rất bức xúc và chất vấn tại sao không sửa một cách toàn diện Luật đất đai ngay?
- Năm 2008, chúng tôi đã làm tới 20 cuộc hội thảo với nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý. Thực tế, Luật đất đai hiện tại có những bức xúc cần giải quyết ngay nhưng cũng có những vấn đề lâu dài không thể làm ngay được. Chuyện bức xúc cần giải quyết ngay là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... Tôi xin khẳng định sẽ được giải quyết ngay trong tháng 6 này bằng một nghị định của Chính phủ.
Còn những vấn đề lâu dài như thời hạn giao đất, bảy quyền của dân, bốn quyền của Nhà nước, rồi còn hạn điền, tích tụ ruộng đất làm ăn lớn của nông dân..., chúng tôi dứt khoát phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Theo chỉ đạo của Chính phủ, khi sửa phải làm chặt chẽ, làm sao để sửa một lần nhưng tuổi thọ phải dài. Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật đất đai dự kiến bắt đầu trong năm 2010. Dự luật này sẽ được đưa vào xin ý kiến và thông qua tại nhiệm kỳ QH khóa sau.
*
Thưa ông, một số đại biểu cho rằng việc sửa một điều ở Luật đất đai và một điều ở Luật nhà ở thống nhất sổ đỏ giấy hồng là không cần thiết, cho vào nghị định là đủ, ông sẽ trả lời thế nào?
- Ngay khi QH có nghị quyết, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên - môi trường sửa đổi và ban đầu cũng hướng là chỉ ra nghị định. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với Bộ Tài nguyên - môi trường năm buổi. Thường trực Chính phủ và Chính phủ cũng đã họp, tổng cộng đến mười buổi nhưng cuối cùng kết luận việc thống nhất một giấy chứng nhận với đất và nhà là vướng luật.
Chính phủ dự định đưa quy định trên vào Luật đăng ký bất động sản. Việc chuẩn bị rất tốt nhưng khi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH dự luật này thì chưa được đồng ý. Nên khi có cơ chế một luật sửa nhiều luật chúng tôi đã đưa vào. Việc đưa vào luật này cũng đúng nguyên tắc. Vấn đề là QH thảo luận và thống nhất có được một giấy không, còn đưa vào luật nào cũng được, đó chỉ là vấn đề kỹ thuật. Việc giấy chứng nhận mới có mấy trang, chúng tôi đang nghiên cứu nhưng tinh thần phải đảm bảo đủ thông tin đang có trên sổ đỏ, giấy hồng.
*
Về khai thác bôxit ở Tây nguyên, có chất vấn cho rằng thử nghiệm nên chọn Bình Phước, không nên khai khác bôxit ở Tây nguyên vì không hiệu quả?
- Do nhiều ý kiến phân tích nên chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Việc này Chính phủ sẽ quyết định trên cơ sở thống nhất các ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Không vòng vo
- Đến nay tôi mới nhận được năm câu hỏi, từ Chính phủ chuyển xuống thêm hai câu nữa là bảy, tập trung vào mảng chính sách thuế và gói kích cầu. Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng trả lời chất vấn, ngay cả khi có nhiều câu hỏi hơn.
Cách tốt nhất là cứ thẳng thắn mà nói thôi, không trả lời loanh quanh thì sẽ không rối và khi đó đại biểu cũng dễ hiểu. Điều gì đã thuộc về trách nhiệm của bộ mình thì mình nói. Nhưng vấn đề nào không thuộc trách nhiệm của mình thì biết đến đâu nói đến đấy.
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Trình bày biện pháp giải quyết việc làm
- Tại kỳ họp này Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được 19 câu hỏi chất vấn của các đại biểu, tập trung vào vấn đề lao động việc làm, xuất khẩu lao động, an sinh xã hội. Trong bối cảnh khó khăn do suy giảm kinh tế hiện nay, việc lao động khó khăn là một thực tế. Tôi sẽ phân tích thực tế từ đó trình bày các giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề như người lao động mất việc, lao động xuất khẩu trở về nước nhiều... trước QH.
*
Bộ trưởng có thể được hỏi về lao động nước ngoài ở VN. Vấn đề này khá nóng nhưng lại liên quan đến trách nhiệm cả Bộ Công an? Bộ trưởng có ngại nhận trách nhiệm không?
- Tôi không nghĩ có chuyện ngại nhận trách nhiệm. Với tư cách là một bộ trưởng khi ra trước diễn đàn QH, bộ trưởng phải nghiêm túc và thực tế phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý. Khi vấn đề từ thực tế được các đại biểu đưa ra, với cách trả lời đến cùng sự việc như hiện nay, bộ trưởng phải trả lời trách nhiệm chính của mình trong vấn đề ra sao, việc phối hợp giữa các bộ trưởng thế nào và không phối hợp thì vấn đề nằm ở đâu. Bộ trưởng không thể đưa đẩy trách nhiệm từ bộ này sang bộ nọ.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO