Top

Nhà ở cho học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp:

Sẽ hanh thông, nếu...

Cập nhật 11/11/2009 10:15

Vấn đề nhà ở cho học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp từ lâu đã được đề cập đến, nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực, mang tính xã hội hóa. Khó khăn nhất trên lĩnh vực này là chưa có một chính sách, một chế tài cụ thể nào để triển khai thực hiện. Chính vì vậy, những cơ chế, chính sách mới được ban hành là một động lực lớn để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp...
 

Mô hình nhà ở thu nhập thấp.


Có mặt trong buổi sáng động thổ xây dựng Khu ký túc xá tập trung cho học sinh, sinh viên tại quận Liên Chiểu (ngày 29-10 vừa qua), em Nguyễn Thị Hải Yến, quê ở Gia Lai, đang học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng phấn khởi cho biết: “Vào đại học đã khó, nhưng tìm ra một chỗ trọ tốt, ở gần trường cũng không phải là chuyện dễ. Vì vậy, khi nghe tin thành phố khởi công xây dựng ký túc xá cho sinh viên, chúng em rất phấn khởi, nhất là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như em”. Đây không chỉ là niềm vui của Hải Yến mà còn cho tất cả sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề trên địa bàn Đà Nẵng và cả các bậc phụ huynh, nhất là bà con ở vùng nông thôn. Không vui sao được khi mỗi lần bước vào năm học mới, sinh viên, học sinh chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ ở. Nơi các em thuê ở là những khu nhà trọ tối tăm, nóng bức, mất vệ sinh và với giá thuê phòng rất cao. Thêm vào đó là tình hình an ninh trật tự không bảo đảm, các tệ nạn xã hội luôn rình rập…

Vấn đề nhà ở cho học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp từ lâu đã được đề cập đến, nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực, mang tính xã hội hóa. Khó khăn nhất trên lĩnh vực này là chưa có một chính sách, một chế tài cụ thể nào để triển khai thực hiện. Chính vì vậy, những cơ chế, chính sách mới được ban hành là một động lực lớn để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp mà doanh nghiệp đầu tiên (Liên doanh Công ty Cổ phần Đức Mạnh và 579) trên địa bàn thành phố tự bỏ vốn ra đầu tư là một sự khởi đầu cho chủ trương mang đậm tính nhân văn này.

Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20-4-2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (24-4-2009) số 65/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê; Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp thuê; Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị tuy mới được ban hành thế nhưng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được triển khai thực hiện sớm.

Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 350.000m2 sàn để phục vụ chỗ ở cho 50.000 học sinh, sinh viên. Con số này quả là ấn tượng. Người dân Đà Nẵng tin rằng, dự án sẽ trở thành hiện thực khi mà Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng và ưu đãi cũng như các hướng dẫn cụ thể, kịp thời tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội như giảm thiểu các thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư, nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, được hưởng các ưu đãi về lãi suất, thuế thu nhập, v..v.

Các cơ chế, chính sách của Chính phủ ban hành nhằm giải quyết vấn đề an sinh lớn của xã hội nên đã được sự ủng hộ, đồng tình của mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài thành phố đã hưởng ứng tích cực chương trình này. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có chỉ đạo kịp thời trong công tác triển khai thực hiện các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ cũng như các mục tiêu về chương trình có nhà ở của thành phố thông qua việc bổ sung nhiều cơ chế, chính sách mới khuyến khích đầu tư xây dựng như: Chuẩn bị sẵn sàng và công bố công khai quỹ đất để giới thiệu cho các nhà đầu tư; xem xét hỗ trợ các nhà đầu tư có nhu cầu khai thác thêm một phần diện tích khác trong và ngoài dự án để làm dịch vụ, thương mại...

Tuy nhiên, đối với những người có trách nhiệm vẫn còn nhiều nỗi lo, bởi những vướng mắc từ thực tế. Đó là, đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên theo kế hoạch giai đoạn 1 của dự án (từ 2009-2010) sẽ triển khai xây dựng khoảng 180.000m2 sàn nhà ở, với kinh phí đầu tư khoảng 734 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ trái phiếu Chính phủ (50%) là 367 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chỉ mới phân bổ cho Đà Nẵng 110 tỷ đồng (chiếm 30%), như vậy với nguồn kinh phí đó, sẽ khó khăn cho việc hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, theo đề án xây dựng 7.000 căn hộ, dự kiến kinh phí đầu tư 1.700 tỷ đồng, UBND thành phố đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ 50% kinh phí từ nguồn trái phiếu Chính phủ; tuy nhiên theo Công văn số 6100/VP-CP ngày 4-9-2009 của Văn phòng Chính phủ thì chương trình này sẽ phải đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn vốn từ các nhà đầu tư, điều đó cũng gây khó khăn cho việc triển khai theo đúng kế hoạch.

Đối với nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, mặc dù UBND thành phố đã xét chọn, phê duyệt tổng mặt bằng và tiến hành giao đất cho các nhà đầu tư nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tiến hành xây dựng nhà ở cho công nhân.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, ông Trần Đình Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố đề xuất: “Trung ương nên sớm bổ sung cho đủ nguồn vốn để hoàn chỉnh các dự án như cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ khác. Nên mở rộng xã hội hóa về xây dựng nhà ở để có nhiều đơn vị tham gia, giảm áp lực về ngân sách Nhà nước, tạo ra nhiều quỹ nhà đáp ứng được yêu cầu về nhà ở cho học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp”.

Để dự án trở thành hiện thực, mong rằng những vướng mắc này sẽ sớm được Chính phủ tháo gỡ, các nhà đầu tư cùng vào cuộc. Dự án nhà ở xã hội khó có thể thành công nếu các cơ chế, các chính sách không được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, được sự đồng thuận của các nhà đầu tư…


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đà Nẵng