Top

Rối rắm thủ tục xây dựng

Cập nhật 05/09/2007 17:00

Bộ Xây dựng mới đây đã tổ chức một đoàn kiểm tra về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại Hà Nội và TPHCM. Theo báo cáo công tác vừa được gửi lên Thủ tướng, tình hình chung trong lĩnh vực này đã đến mức báo động...

Theo báo cáo của đoàn công tác, thực tế quản lý xây dựng ở các địa phương còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính làm mất thời gian, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Ở phần lớn các dự án đều phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian so với quy định. Đáng chú ý là có nhiều thủ tục do chủ đầu tư chủ động thực hiện, một số do chính quyền đặt ra trái với quy định của Chính phủ; một số phát sinh do các quy định pháp luật không rõ ràng hoặc mâu thuẫn nhau.

Theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP thì chính quyền địa phương phải có quy hoạch, công bố, công khai quy hoạch và cung cấp thông tin quy hoạch cho chủ đầu tư. Nhưng thực tế Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lại chia nhỏ các nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng và yêu cầu chủ đầu tư phải làm nhiều thủ tục xin thỏa thuận, chấp thuận như: thỏa thuận địa điểm; cấp chứng chỉ quy hoạch hoặc cấp thông tin quy hoạch; chấp thuận chỉ giới đường đỏ và cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật; chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng; chấp thuận phương án kiến trúc.

Khi thẩm định thiết kế cơ sở, sở xây dựng các địa phương cũng yêu cầu chủ đầu tư phải làm các thủ tục không đúng quy định. Chẳng hạn như văn bản thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; văn bản đấu nối hạ tầng kỹ thuật... Theo Bộ Xây dựng, yêu cầu này là không đúng quy định vì trách nhiệm thực hiện các công việc này thuộc về sở xây dựng.

Mặt khác, nhiều thủ tục đã được phân cấp cho chủ đầu tư và chỉ phải làm ở giai đoạn sau, không yêu cầu phải làm khi thẩm định thiết kế cơ sở nhưng chủ đầu tư vì muốn phòng xa vẫn tự làm và nộp cho cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở. Loại thủ tục, giấy tờ này có ở hầu hết các dự án và chiếm tỷ lệ lớn, trung bình 40% tổng số thủ tục, có nhiều dự án các thủ tục này chiếm tới 50%.

Đối với việc xin thỏa thuận về kiến trúc công trình, Luật Xây dựng và các nghị định của Chính phủ không quy định chủ đầu tư phải làm, nhưng tại TPHCM hàng năm Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẫn phải giải quyết khoảng 300 trường hợp. Thời gian giải quyết trung bình cho một thủ tục này không dưới một tháng và đây thực sự là gánh nặng cho chủ đầu tư.

Việc quy định thêm các yêu cầu mà chủ đầu tư phải thỏa thuận với các cơ quan liên quan là không thực hiện đúng cơ chế “một cửa” liên thông, gây khó khăn cho chủ đầu tư. Có chủ đầu tư không biết công trình của mình có liên quan đến những lĩnh vực nào và cần phải lấy ý kiến thỏa thuận của những cơ quan nào, dẫn đến mất nhiều thời gian để thực hiện công việc này, thậm chí thực hiện cả những thỏa thuận không cần thiết.

Khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng, ngoài các tài liệu theo quy định như đơn xin cấp giấy phép xây dựng, giấy tờ về đất, hồ sơ bản vẽ, thì trên 80% số công trình được kiểm tra cho thấy chủ đầu tư còn phải nộp thêm các văn bản thỏa thuận của các cơ quan liên quan, trừ một số thủ tục sở xây dựng hỏi trực tiếp các cơ quan liên quan.

Về thời gian thực hiện các thủ tục, chuyện vi phạm các quy định hiện hành là rất phổ biến. Theo quy định, trong thời gian năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép xây dựng phải có trách nhiệm thông báo cho chủ đầu tư bổ sung hồ sơ (nếu thiếu) và gửi văn bản để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, nhưng thực tế cơ quan cấp phép không thực hiện đúng thời gian quy định này. Thời gian gửi văn bản hỏi ý kiến nhanh nhất là sau bảy ngày, có trường hợp tới 26 ngày sau mới gửi văn bản hỏi ý kiến. Theo quy định, trong thời gian 10 ngày làm việc, cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời, nhưng thực tế các cơ quan được hỏi ý kiến hiếm khi trả lời đúng hạn.

Tình hình cũng tương tự đối với việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa liên thông. Theo quy định, chủ đầu tư chỉ phải nộp hồ sơ xin phép xây dựng tới cơ quan cấp phép, khi cần làm rõ thông tin liên quan đến các cơ quan khác để phục vụ việc cấp giấy phép xây dựng thì cơ quan cấp phép xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Nhưng thực tế cho thấy 100% số công trình được kiểm tra, chủ đầu tư phải tự đi xin ý kiến thỏa thuận của cơ quan liên quan, hoặc là ở giai đoạn thẩm định thiết kế cơ sở, hoặc là theo yêu cầu bổ sung thủ tục của sở xây dựng sau khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng. Như vậy, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong công tác này chưa được triệt để và chủ đầu tư vẫn tiếp tục mất nhiều thời gian và công sức để hoàn tất đủ mọi loại thủ tục rối rắm.

Theo SaigonTimes