Nhiều trường hợp không cấp phép xây dựng vì vênh nhau giữa thiết kế đô thị và thực tế quy hoạch…
Dù đã có thiết kế đô thị (TKĐT) nhưng việc cấp phép xây dựng cho các công trình nhà ở riêng lẻ cho người dân trên ba tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và xa lộ Hà Nội vẫn rối. Báo cáo của các quận/huyện tại cuộc họp do Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì vào ngày 5-6 cho biết như trên.
Vướng khoảng lùi, dân hết chỗ xây
Tại cuộc họp, chỉ vài quận (quận 5, quận 4) cho hay chưa thấy khó khăn vướng mắc và đã cấp phép xây dựng cho một số trường hợp dọc theo tuyến đường trên theo TKĐT và quy định quản lý không gian kiến trúc cảnh quan của TP. Trong khi đó, đa số quận/huyện có ba tuyến đường này đi ngang đều nêu gặp khó.
Theo quận 9, TKĐT và quy định quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trục đường xa lộ Hà Nội có khoảng lùi 10-20 m nên rất nhiều hộ bị giải phóng mặt bằng mở rộng xa lộ bị vướng quy hoạch và khoảng lùi nên không xây dựng được, rất khó khăn về chỗ ở. Nếu cấp phép xây dựng theo TKĐT thì người dân vừa bị thu hồi đất khi mở đường vừa bị khoảng lùi quá sâu, mất hết đất nên dân khó đồng thuận.
Một số trường hợp đất không đủ chuẩn sau khi thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng gặp khó trong việc cấp giấy phép xây dựng. Ảnh: HTD
|
Còn quận Thủ Đức cho hay TKĐT làm thay đổi chức năng quy hoạch đất so với quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được duyệt. Theo quy định, những trường hợp này phải báo cáo, xin ý kiến để lập thủ tục điều chỉnh cục bộ. “Quy trình này sẽ rất mất thời gian khiến người dân bức xúc” - đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức nói.
Quận 1 nêu vướng: TKĐT quy định có 2-4 loại khoảng lùi 7-20 m nhưng không quy định áp dụng cho loại công trình nào, không quy định rõ kích thước đối với khoảng lùi đặc biệt. “Đa số nhà ở của người dân nằm hoàn toàn trong phạm vi khoảng lùi này nên sẽ không được cấp phép xây dựng” - quận Thủ Đức lưu ý.
Đại diện quận Tân Bình thắc mắc, theo Quyết định 135/2007 của TP, nhà ở riêng lẻ được phép tối đa bảy tầng nhưng theo TKĐT chỉ được tối đa năm tầng, không biết giải quyết thế nào? Quận Bình Thạnh thông tin: Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng có một số dự án đã có quy hoạch 1/500 đi ngang nhưng khoảng lùi và tầng cao của dự án khác với TKĐT, gây chệch choạc giữa nhà đã xây và công trình cấp phép sau...
Hướng dẫn bài bản nhưng khó làm
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM cho rằng TKĐT có pháp lý cao hơn quy hoạch 1/2000, phải thực hiện theo TKĐT. Những mâu thuẫn về khoảng lùi, tầng cao giữa TKĐT và các trường hợp cụ thể phải áp dụng TKĐT. “Tuy nhiên, tôi cũng sẽ báo cáo lại Sở để có hướng dẫn cụ thể cho các quận/huyện. Những trường hợp nào có độ vênh thì quận/huyện gửi văn bản khẩn cấp để Sở có văn bản hướng dẫn kịp thời” - vị này nói.
Ông Quách Hồng Tuyến - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: “Tuy TKĐT ban hành sau nhưng thực tế có những vướng mắc phát sinh nên không cấp phép được. Các quận phải báo cáo ngay những trường hợp mâu thuẫn vênh nhau giữa quy hoạch và TKĐT để điều chỉnh, tránh khiếu nại từ dân. Về những trường hợp đất siêu mỏng, siêu méo, theo hướng dẫn là sẽ hợp khối công trình nhưng rất khó thực hiện. Hướng dẫn rất đúng và bài bản nhưng thực tế không dễ thực hiện vì hai nhà kế nhau có hoàn cảnh, kinh tế, mong muốn khác nhau nên việc hợp khối để xây dựng cùng lúc, cùng chiều cao là không đơn giản. Chưa kể thực tế nhà siêu mỏng, kỳ dị đã xuất hiện trước khi có TKĐT nên các quận/huyện cần có đề xuất cụ thể với những vướng mắc… Những vướng mắc liên quan đến ba tuyến đường trên Sở sẽ có báo cáo chi tiết với TP”.
Ông Tuyến đề nghị: “Trước mắt, các quận/huyện thống nhất giải quyết cấp phép xây dựng chính thức với trường hợp nhà ở của người dân đã được công nhận nhưng nay không phù hợp quy hoạch do bị quy hoạch công viên, mở đường… với quy mô ba tầng. Sở sẽ bổ sung quy định trên vào Quyết định 21/2013 về cấp phép xây dựng sau khi báo cáo TP.
DiaOcOnline.vn - theo Pháp luật TP