Kho 338 Dương Bá Trạc, quận 8-TPHCM có diện tích 4.600 m² do Công ty Cổ phần Điện máy TPHCM quản lý đã có quyết định thu hồi hơn 2 năm nhưng chưa thực hiện. |
Ngoài việc quản lý lỏng lẻo, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu” nhà đất công còn do giá cho thuê nặng tính bao cấp.
Thực hiện chức năng quản lý nhà đất công trên địa bàn TPHCM hiện có đến 3 sở (Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường, Tài chính) và các phòng ban trực thuộc UBND 24 quận - huyện.
Với bộ máy trên, nếu hoạt động hiệu quả, các sai sót khó xảy ra. Còn trên thực tế, do cơ chế quản lý nhập nhằng, chồng chéo cùng với sự quản lý lỏng lẻo nên hiện nay TP chưa thể xác định hết lượng nhà đất công được sử dụng ra sao, hiệu quả thế nào.
Quản lý trên giấy!
Một thực tế là hiện nay nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát việc sử dụng nhà đất công nhưng chỉ quản lý trên giấy tờ, số liệu sổ sách, còn thực tế khu đất được sử dụng ra sao thì gần như mù tịt. Chính vì thế mới xảy ra tình trạng nhà đất công bị “mất tích”, “hóa kiếp” mà không ai biết.
Cụ thể nhất là 26 cơ sở nhà đất do Tổng Công ty Lương thực Miền Nam quản lý. Trên thực tế, 26 cơ sở nhà đất này đã bị bán lại cho tư nhân, giải tỏa trắng hoặc bàn giao cho đơn vị khác quản lý... thế nhưng trên giấy tờ, đây vẫn là khối tài sản thuộc về đơn vị.
Ví dụ, cơ sở nhà đất số 286 Điện Biên Phủ (P.17, Q.Bình Thạnh) được Công ty Lương thực TPHCM (thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam) giao cho bà N.L.T ở từ năm 1990.
Sau đó, bà T. tự ý liên hệ với các cơ quan chức năng để hợp thức hóa căn nhà trên không thông qua công ty. Ngày 18-4-2002, bà T. đã được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở!
Các cơ sở nhà đất số 169 Calmette (Q.1), 134 Cách Mạng Tháng Tám (P.12, Q.Tân Bình)... cũng rơi vào trường hợp tương tự. Mặt khác, việc quản lý từ quận đến TP cũng không rõ ràng, thiếu sự phối hợp đồng bộ nên gây ra nhiều trường hợp dở khóc dở cười.
Cụ thể là căn nhà 131 Trần Huy Liệu (P.8, Q.Phú Nhuận) có diện tích 709 m². Do hàng loạt rối rắm về thủ tục trong quá trình quản lý đã dẫn đến việc Ban Chỉ đạo 09 TPHCM đưa căn nhà trên vào diện cho thuê không đúng đối tượng nên kiến nghị thu hồi. Tuy nhiên, sau khi thẩm tra lại, cuối tháng 4-2009, Ban Chỉ đạo 09 xác nhận việc kiến nghị thu hồi căn nhà 131 là có sự nhầm lẫn.
Giá bao cấp nên sinh... đặc quyền đặc lợi
Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM vừa công bố số liệu về công tác kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Qua đó cho thấy một thực tế là việc sử dụng đất còn quá lãng phí, nhất là đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Cụ thể, toàn TP có 6.078 tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng 20.087 khu đất với tổng diện tích 64.695 ha (chiếm 31% diện tích đất toàn TP). Kết quả kiểm kê cho thấy có 285 khu đất, mặt bằng hiện cho thuê lại trái phép với diện tích trên 780.000 m², trong đó các công ty cổ phần vi phạm nhiều nhất với diện tích hơn 520.000 m².
Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, nguyên nhân của sai phạm này là do giá thuê còn nặng tính bao cấp, nhất là đối với quỹ nhà đất có nguồn gốc công sản.
Giá thuê thấp so với giá thị trường nên nhiều đơn vị được giao đất đã ký hợp đồng cho thuê lại để hưởng chênh lệch giá. Cụ thể, mặt bằng số 66-68 Nguyễn Trãi (P.Bến Thành, Q.1, hiện đã bị thu hồi) là 2 căn hộ nằm tại tầng trệt ở một khu nhà tập thể cao 7 tầng, có tổng diện tích 63 m², được cho thuê với giá 7 triệu đồng/tháng.
Khi chúng tôi thử dọ hỏi giá thuê nhà của những mặt bằng kế cận thì được biết giá thuê của mặt bằng 66-68 Nguyễn Trãi... rẻ như cho bởi giá thuê ở khu vực này chí ít cũng 20-30 triệu đồng/tháng. Như vậy, một doanh nghiệp chỉ cần được Nhà nước cho thuê đất, sau đó đem cho thuê lại là sẽ “ngồi mát ăn bát vàng”!
Xảy ra tình trạng mang tài sản công cho thuê tràn lan còn do sự thiếu trách nhiệm quản lý của người đứng đầu cơ quan hay vì những lợi ích cục bộ của đơn vị... Thể hiện rõ nhất là ở các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là doanh nghiệp do Trung ương quản lý.
Điều này dẫn đến hệ quả: nhiều đơn vị được giao đất không thu tiền sử dụng hoặc cho thuê trả tiền hằng năm, nếu không cho thuê lại thì vẫn cương quyết “ôm” đất, chấp nhận để hoang hóa, làm ngân sách thất thu một khoản khá lớn.
Bà Nguyễn Thế Thanh, đại biểu HĐND TPHCM:
Phải cương quyết xử lý
UBND TPHCM cần có biện pháp mạnh hơn nữa, mặt bằng nào sử dụng lãng phí phải kiến nghị thu hồi. Nếu không, cử tri cứ thắc mắc dường như TP xử lý chưa thật quyết liệt. Đối với các doanh nghiệp không phải trực thuộc Trung ương, TP phải áp dụng những biện pháp mạnh, thậm chí cưỡng chế thu hồi mặt bằng để làm gương.
Ông Lê Văn Trung, đại biểu HĐND TPHCM:
Thay đổi phương thức quản lý
Nếu sử dụng đúng, kho bãi sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho xã hội, do vậy các cơ quan TP cần quản lý khoa học hơn chứ với cách làm như hiện nay là rất mơ hồ, không xác định được tài sản công đã được quản lý, sử dụng ra sao... Cần áp dụng ngay công nghệ thông tin vào công tác quản lý kho bãi. Khi cần, chỉ cần nhấp chuột, người quản lý có thể biết được tất cả nội dung liên quan đến khu đất, mặt bằng, thay vì hiện nay phải lục hồ sơ, giấy tờ, rất mất thời gian.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động