Quản lý chi phí đầu tư xây dựng sao cho hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, phù hợp với thông lệ quốc tế luôn là vấn đề nóng bỏng đối với lĩnh vực xây dựng.
Cơ chế quản lý đã được thiết lập
Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước, nhà thầu, chủ đầu tư (CĐT)… sau 2 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 99/2007/CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã có những đóng góp tích cực đối với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Nó tạo bước chuyển biến lớn từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường, tạo sự chủ động và dám chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, từng bước xây dựng chính sách quản lý giá phù hợp với sự biến động của thị trường.
Chính sự phân cấp rõ và giao quyền nhiều hơn cho CĐT, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình định giá xây dựng đã nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. Bà Nguyễn Thị Hồng Luyến, đại diện tổ công tác vốn ODA của Chính phủ cho biết, cơ chế quản lý đầu tư trong Nghị định 99 đã được áp dụng cho các dự án ODA, tạo điều kiện cho các dự án này thực hiện nhanh chóng, tăng cường giải ngân.
Theo Tiến sĩ Dương Văn Cận, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thì, cơ chế được xây dựng trong Nghị định 99 gần như tiệm cận với thông lệ thế giới: Thay vì giá chung như trước đây, giá xây dựng đã được tính theo công trình cụ thể; Nhà nước chỉ ban hành phương pháp xây dựng định mức, đơn giá trên cơ sở đó CĐT tự xây dựng định mức đơn giá; CĐT có thể lựa chọn tính theo đơn giá chi tiết, đơn giá tổng hợp… thiết lập cơ chế quản lý chi phí.
Nhiều CĐT vẫn thực hiện cơ chế cũ
Qua khảo sát thực tế, bên cạnh những địa phương, đơn vị tích cực, chủ động áp dụng Nghị định 99 vào quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì vẫn còn một số địa phương thiếu sự chủ động, nhận thức về vấn đề quản lý chi phí đầu tư xây dựng chưa đồng nhất, CĐT còn nặng tâm lý an toàn, sợ chịu trách nhiệm khi thanh, kiểm tra, kiểm toán. Thậm chí có nơi nửa năm sau khi Nghị định 99 có hiệu lực, địa phương mới đưa ra hướng dẫn, chỗ này chờ chỗ khác…
Ngoài tâm lý “an toàn” thì năng lực các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới của Nghị định; một số nội dung của các luật liên quan đến đầu tư như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu còn thiếu nhất quán… cũng là những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên.
Tiến sĩ Dương Văn Cận phân tích: Không chỉ CĐT không chịu đổi mới mà cán bộ thanh kiểm tra, kiểm toán cũng chưa kịp đổi mới, khi kiểm tra vẫn thực hiện theo cơ chế cũ. Ví dụ, thực hiện một hợp đồng trọn gói, thanh toán theo giai đoạn nhưng khi kiểm tra vẫn yêu cầu chứng từ, hoá đơn nên để “an toàn”, nhiều CĐT vẫn cơ chế cũ mà thực hiện.
Theo quy định hiện hành, CĐT không phải chịu trách nhiệm về hợp đồng đã ký mà người chịu trách nhiệm và bảo lãnh hợp đồng chính là nhà thầu thi công. Hậu quả có công trình chưa có vốn nhưng vẫn khởi công dẫn tới tiến độ bị đình trệ, thi công dàn trải, CĐT chậm thanh toán hợp đồng gây khó khăn cho nhà thầu... Bên cạnh đó, sự biến động của giá cả vật tư, trượt giá của đồng tiền, khủng hoảng tài chính… ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa được quy định điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Cần mạnh mẽ thay đổi tư duy
Mặc dù Nghị định 99 được các chuyên gia đánh giá là “thổi luồng gió mới” vào tư duy quản lý kinh tế trong lĩnh vực xây dựng nhưng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn những đổi mới chỉ là bước đầu. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, đòi hỏi cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp tục đổi mới phù hợp và linh hoạt hơn với thị trường, hội nhập với thông lệ quốc tế.
Cũng theo Thứ trưởng Sơn, để đạt được mục tiêu trên, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cải cách quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình ở Việt Nam. Rà soát, đánh giá và đề suất những nội dung cần hoàn thiện trong Nghị định 99 nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giải ngân, nâng cao hiệu lực pháp lý…
Như vậy, cơ chế đã và đang được tích cực hoàn thiện nhưng để Nghị định đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao thì việc thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng là hết sức cần thiết.
Sản xuất kinh doanh của các DN thuộc Bộ xây dựng: Tiếp tục tăng
Tình hình SXKD của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tiếp tục tăng. Giá trị SXKD ước thực hiện tháng 5 đạt 9.816 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 41.398 tỷ đồng, bằng 34,9% so với kế hoạch năm, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2008. Giá trị xây lắp của các đơn vị ước thực hiện tháng 5 đạt 4.665 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 18.919 tỷ đồng, bằng 36% so với kế hoạch năm, bằng 106,6% so với cùng kỳ năm 2008.
Một số đơn vị có sản lượng xây lắp 5 tháng đầu năm 2009 tăng cao so với cùng kỳ 2008 là: Tổng Cty Sông Đà đạt 4.019 tỷ đồng, tăng 24%; Tổng Cty Xây dựng Hà Nội đạt 2.741 tỷ đồng, tăng 20%; TCty LICOGI đạt 1.559 tỷ đồng, tăng 24,4%; Tổng Cty VIWASEEN đạt 992,4 tỷ đồng, tăng 94,2%...
Giá trị sản xuất công nghiệp và VLXD của các đơn vị (kể cả Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) ước thực hiện tháng 5 đạt 3.291 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 14.097 tỷ đồng, bằng 34,6% so với kế hoạch năm, bằng 96,7% so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân thấp hơn cùng kỳ năm 2008, chủ yếu do thị trường VLXD giảm, tồn kho lớn, các đơn vị sản xuất chủ động cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên nhìn chung, tình hình sản xuất VLXD của các DN trong tháng 4 và tháng 5 đã có dấu hiệu tăng so với 3 tháng quý I. Ước sản xuất xi măng toàn ngành tháng 5 đạt 4,08 triệu tấn, 5 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 18,32 triệu tấn, bằng 41,6 % so kế hoạch năm. Tháng 5 sản lượng xi măng tiêu thụ vẫn đạt mức cao.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng