Top

Quận cấp phép xây cao ốc 102 Cống Quỳnh là sai

Cập nhật 14/04/2008 10:00

Muốn xây tiếp phải xin cấp phép lại. Tổng mức đầu tư trên bảy tỷ đồng thì phải do Sở Xây dựng cấp phép.

Liên quan việc công trình cao ốc 102 Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) gây lún sập bức tường ngăn giữa công trình với chung cư 207 Bùi Viện hôm 27-3, có nguồn tin vừa cho biết nhiều khả năng giấy phép xây dựng cao ốc này đã được cấp sai thẩm quyền. Được biết, giấy phép xây dựng cao ốc 102 Cống Quỳnh (Công ty TNHH Tân Hoàng Thân làm chủ đầu tư) do UBND quận 1 cấp vào tháng 3-2008. Cao ốc này có quy mô 10 tầng, tổng diện tích sử dụng hơn 3.800 m2 làm nhà văn phòng.

Theo Thông tư 02 ngày 14-2-2007 của Bộ Xây dựng, công trình thuộc dự án sẽ do Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Nghị định 112 năm 2006 quy định phải căn cứ vào tổng mức đầu tư để xác định công trình nào là dự án. Tổng mức đầu tư trên bảy tỷ đồng thì phải lập dự án, tức phải qua khâu thẩm định thiết kế cơ sở, còn dưới bảy tỷ đồng thì chỉ cần lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

Ngày 29-3-2007, UBND TP.HCM có văn bản số 1811 nêu rõ trong lúc chờ Quyết định 04 năm 2006 do UBND TP ban hành về thủ tục cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố được sửa đổi, thành phố phân định tạm thời về thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Theo đó, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng đối với công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công trình thuộc dự án và các công trình khác được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở. Như vậy, công trình có tổng mức đầu tư trên bảy tỷ đồng phải được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng. Còn dưới bảy tỷ đồng và nhà ở riêng lẻ thì do cấp quận cấp phép.

Vậy tổng mức đầu tư của cao ốc 102 Cống Quỳnh là bao nhiêu? Sở Xây dựng giải thích để tính tổng mức đầu tư công trình phải căn cứ vào suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM quy định. Suất vốn đầu tư này được thay đổi hàng năm cho phù hợp thực tế.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết nếu áp mức giá thấp nhất cho loại công trình nhà làm việc là 3.150.000 đồng/m2 thì cao ốc 102 Cống Quỳnh tính ra trên 10 tỷ đồng. Còn tính theo suất vốn đầu tư theo QĐ 12 của UBND TP ban hành vào ngày 20-2-2008 thì cao ốc trên cũng thuộc loại lập dự án: Đối với nhà làm việc có tầng hầm, cao 6-10 tầng, nếu áp giá thấp nhất là 2.600.000 đồng/m2 thì mức đầu tư cao ốc này cũng gần 10 tỷ đồng. Nếu vậy, đúng ra cao ốc 102 Cống Quỳnh phải lập thiết kế cơ sở để Sở Xây dựng thẩm định và cấp phép xây dựng chứ không phải do quận cấp phép.

Sở Xây dựng đã làm văn bản báo cáo vụ việc trên trình UBND TP xem xét và có hướng giải quyết. Sở cũng có văn bản gửi tất cả quận, huyện để hướng dẫn lại lần nữa về phân cấp thẩm quyền cấp phép xây dựng. Theo ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nếu có sự nhầm lẫn về thẩm quyền cấp phép sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của giấy phép xây dựng. Khi công trình chưa xây dựng xong thì theo luật, giấy phép phải được cấp lại cho đúng thẩm quyền.

Theo Pháp Luật TP.HCM