Top

Lãng phí năng lượng ở các cao ốc

Cập nhật 14/04/2008 09:00

Các chuyên gia năng lượng của Pháp cho biết, Việt Nam đang đứng trước sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu năng lượng, đặc biệt là điện. Trong khi đó, tiềm năng tiết kiệm điện từ các toà cao ốc còn rất lớn nhưng chưa được quan tâm

Trong hai ngày qua, tại TP.HCM, nhân tuần lễ Pháp đang diễn ra tại TP.HCM, bộ Công thương phối hợp với các cơ quan chuyên ngành về năng lượng của Pháp đã tổ chức hội thảo tìm các chính sách sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam.

Theo thứ trưởng bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, đô thị Việt Nam phát triển rất nhanh, hằng năm 1,2 triệu người vào đô thị cần xây mới 30 triệu mét vuông nhà ở. Năng lượng liên hệ mật thiết đến các hoạt động, phát triển đô thị. Chúng ta đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện nhưng lại đang thiếu hụt điện nghiêm trọng.

Chạy theo trào lưu, bỏ quên quy định

Theo giáo sư Nguyễn Hữu Dũng, đại học Kiến trúc Hà Nội, tốc độ tăng trưởng xây dựng tăng bình quân 15%/năm. Sắp tới, số toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị mới sẽ tăng thêm rất nhiều và tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các toà nhà chiếm từ 35 - 40% tổng năng lượng tiêu dùng. Khảo sát các công trình cao tầng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cho thấy năng lượng sử dụng trong các toà nhà, công trình cao tầng là rất lớn nhưng tản mạn, không hiệu quả và không kiểm soát được.

Trong số này, nhiều công trình do nước ngoài xây dựng. Chúng được thiết kế theo phong cách nước ngoài, không phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên ở Việt Nam. Gần đây khuynh hướng thiết kế các công trình với nhiều mảng kính lớn thịnh hành, trào lưu chạy theo kiến trúc hiện đại phương Tây và bỏ quên tiêu chuẩn, điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Những bất hợp lý trong việc thiết kế công trình, đặc biệt phần vỏ cách nhiệt kém, không tổ chức chiếu sáng, thông thoáng tự nhiên và phải gắn thiết bị điện đã làm thất thoát từ 20 - 25% nguồn năng lượng.

Ông Dũng cũng nhận xét, hiện vẫn chưa có quy định về việc cách nhiệt cho công trình bằng việc sử dụng vật liệu cách nhiệt cho mái, tường ngoài, cửa sổ, cửa đi... Trên thị trường hiện hành cũng thiếu các loại vật liệu cách nhiệt, các loại đèn và thiết bị có hiệu suất cao. Về phía chủ đầu tư cũng không quan tâm đến các biện pháp tiết kiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa, vụ trưởng vụ Khoa học, bộ Xây dựng, thừa nhận, những quy định về việc tận dụng điều kiện tự nhiên, thông gió, làm mát và sưởi ấm, sử dụng vật liệu cách nhiệt... được quy định trong nghị định 102/2003 của chính phủ đã chưa được quan tâm thực hiện.

Thiếu năng lực

Cả nước hiện có gần 730 đô thị. Mức tăng trưởng dân số đô thị tăng từ 12 triệu dân (năm 1986) và đến nay đã đạt từ 22 - 23 triệu người (chiếm 27 - 28% dân số cả nước). Tiêu thụ điện năng theo đó cũng tăng lên để đáp ứng yêu cầu tiện nghi ngày càng cao. Sản lượng điện cần cung cấp cho nhóm nhà hàng, thương mại và sinh hoạt chiếm khoảng 48% cơ cấu điện thương phẩm, tạo sức ép lớn về đầu tư nguồn và lưới điện.

Ông Salat, chuyên gia quốc tế, viện trưởng viện Các đô thị bền vững dự báo đến năm 2030 gần nửa dân số Việt Nam sống ở đô thị. Đô thị hoá diễn ra nhanh, làm phát thải khí cacbon nhiều hơn.

Giảng viên trường đại học Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh Vũ, nhận xét việc áp dụng các tiêu chuẩn vào thực tế gặp nhiều khó khăn. Các hướng dẫn thực hiện chưa cụ thể, chính sách tài chính và quy chế xử phạt cũng chưa ổn đã không khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm. Ngoài ra, chỉ vài công ty khi tư vấn thiết kế có thể áp dụng các giải pháp tiết kiệm còn đa số thì không thực hiện bởi không biết quy định, không có năng lực.

Về phía chủ đầu tư thì không chịu thực hiện giải pháp tiết kiệm vì sợ tốn kém, dù được thuyết phục là lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại. Cũng theo ông Vũ, những hạn chế nêu trên có thể sẽ được hạn chế rất nhiều nếu các cơ quan quản lý quan tâm. Nhưng hiện nay các cơ quan quản lý cũng không rành rẽ, không có năng lực để kiểm tra, buộc các chủ đầu tư tuân thủ các quy chuẩn và thực hiện việc tiết kiệm.

Một chuyên gia Pháp chia sẻ, những cản ngại nêu trên thì Pháp cũng từng gặp phải, dù có các quy định, hướng dẫn chi tiết. Nhưng nếu chỉ tính giá điện theo cơ chế thị trường sẽ vẫn không thay đổi được các thói quen trên. Nhà nước có vai trò rất quan trọng, xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích để người dân thực hiện tiết kiệm có hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Chính cho biết, bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hơn quy chuẩn, ban hành các tiêu chuẩn thống nhất, đồng bộ đối với các nhà cao tầng. Tựu trung nhất vẫn là việc thiết kế toà nhà, từ vỏ bao che, vật liệu, thông gió, sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ cho các thiết bị của toà nhà...

Tuy nhiên, nếu không có kiến thức, các kiến trúc sư chỉ vẽ được các công trình theo cảm tính, không thực hiện được yêu cầu tiết kiệm năng lượng. Ông Chính cho biết thêm, để khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng ở các toà nhà, bộ đã chọn 20 công trình kiến trúc tiêu biểu của đất nước, trong đó có các công trình có tiết kiệm năng lượng.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị