Diễn biến thị trường bất động sản trong vài tháng trở lại đây đã sụt giảm rất mạnh. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đưa ra phán đoán rằng, với mức sụt giảm 10-15 triệu đồng/m2, liệu rằng thị trường đang trong giai đoạn dò đáy hay không?
Theo giới phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, thị trường bất động sản của Việt Nam phải đến năm 2014 mới có thể chạm đáy rồi quay trở lại đà tăng trưởng và phát triển. Ở góc độ đầu tư nhà ở, nhìn một cách lạc quan, cả nước, mỗi năm có tới 15.000 - 20.000 các hộ đang được dự trù đăng ký nhà ở được đưa ra. Vấn đề hiện nay cần quan tâm là phải tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua nhà để ở, đặc biệt là người mua căn nhà đầu tiên hoặc đang ở chật hẹp có diện tích ở bình quân dưới 5m2/người/hộ, muốn mua thêm căn nhà thứ hai để cải thiện điều kiện ở với lãi suất ưu đãi. Với số tiền của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho người dân mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội cần phải đạt được thực chất, hiệu quả và công bằng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trên thị trường bất động sản được vay tín dụng để kinh doanh bất động sản; tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại để tăng “cầu” và góp phần làm hồi phục thị trường bất động sản. Người nước ngoài, bà con kiều bào cũng là nguồn lực đáng kể trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước, nhưng số lượng nhà mà nhóm đối tượng này đã mua trong thời gian qua không tương xứng với nguồn lực và khả năng thực tế... Để khơi dòng nguồn cầu này, cần tháo gỡ những rào cản về thủ tục để bà con kiều bào có thể dễ dàng mua nhà, tránh tình trạng bà con khi mua nhà nhưng phải nhờ người đứng tên, làm phát sinh các phiền phức về mặt pháp lý khi có tranh chấp xảy ra.
Trong khi các chính sách hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước đang được thúc đẩy để đi vào cuộc sống thì khó khăn của nhiều nhà kinh doanh bất động sản đang tiếp tục lan rộng? Doanh nghiệp Vina Megastar có thể coi là bằng chứng điển hình cho trái đắng từ thời kỳ người người, nhà nhà nô nức đầu tư bất động sản. Nhà đất với những cơn sốt giá "nóng hổi" khiến không ít doanh nghiệp "thèm muốn", tìm đủ cách để kinh doanh ngoài ngành. Khó khăn lan rộng, sụp đổ dây chuyền là hậu quả của việc đầu tư bất động sản theo đám đông. Tình trạng phá sản khi đầu tư quá mức, chấp nhận rủi ro quá mức có thể là bài học đau đớn nhưng là cần thiết cho quá trình cải cách và hướng tới sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.
Quá trình điều chỉnh trên thị trường bất động sản có khả năng còn kéo dài do không ít doanh nghiệp trong ngành vẫn găm giá chờ Nhà nước giải cứu. Tuy nhiên, đây là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn - đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế. Nhà nước không thể chấp nhận giải cứu vì đều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng vì "lãi bỏ túi, lỗ sẽ có Nhà nước lo" tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.