Việc thu phí giữ xe, cho thuê ki-ốt... ở các chung cư làm quỹ chung vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Một góc chung cư phức hợp Hùng Vương Plaza. Ảnh: HTD |
Theo Bộ Xây dựng, phí giữ xe, tiền cho thuê ki-ốt sẽ là nguồn thu bổ sung vào chi phí quản lý, vận hành nhà chung cư nhằm giảm giá dịch vụ.
Nguồn thu từ việc kinh doanh các dịch vụ trong chung cư như trông giữ ôtô, xe đạp, xe máy, cho thuê ki-ốt, văn phòng... và các dịch vụ khác (nếu có) được hạch toán theo đúng chế độ của Bộ Tài chính. Nguồn thu này dùng để bù đắp chi phí quản lý, vận hành nhà chung cư nhằm mục đích giảm giá dịch vụ.
Đó là những nội dung chính trong dự thảo thông tư hướng dẫn về phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư do Bộ Xây dựng vừa soạn thảo. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với một số quy định trong dự thảo.
Vẫn nhập nhằng sở hữu riêng-chung
Phí quản lý vận hành chung cư vốn là vấn đề gây căng thẳng giữa chủ đầu tư và các chủ căn hộ hiện nay. Do vậy, cách giải quyết “lấy nguồn thu từ việc giữ xe, cho thuê ki-ốt, văn phòng làm chi phí quản lý, vận hành nhà chung cư” như Bộ Xây dựng đề xuất đã không được giới chủ đầu tư đồng tình.
“Nếu là chỗ giữ xe, tức phần sở hữu chung thì lấy làm nguồn thu bù vào chi phí quản lý chung cư là đúng. Nhưng có những phần sở hữu riêng mà chủ đầu tư bỏ tiền đầu tư, tự kinh doanh nhưng không được thu lợi nhuận là bất hợp lý” - ông Nguyễn Văn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Trung Thủy, chủ đầu tư khu căn hộ cao cấp The Landcaster (quận 1), bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cũng cho rằng nếu muốn lấy tiền cho thuê chỗ để xe, ki-ốt... làm quỹ chung thì phải xét đến mục đích ban đầu khi lập dự án là làm gì, thuộc sở hữu của ai.
“Có những loại hình chung cư phức hợp, chỗ để xe không phải chỉ phục vụ cho cư dân chung cư mà còn cho khách vãng lai hoặc cho thuê. Tương tự, ki-ốt, siêu thị... khi chủ đầu tư đầu tư xây dựng là nhằm để kinh doanh thêm. Đây là quyền lợi của họ thì sao lại buộc phải nộp hết cho chi phí quản lý chung của cả chung cư?” - ông Đực nhận xét.
Theo lập luận của ông Đực, nếu quy định này được ban hành, chủ đầu tư sẽ không cho thuê phần ki-ốt, trung tâm thương mại mà đem bán nó đi “để khỏi mất công quản lý nhưng lại không được thu lợi nhuận”.
Mức phí trần: Không thể đánh đồng
Việc ban hành mức trần phí quản lý chung cư cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ngày 9-9, Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng nên cân nhắc việc ban hành mức trần kinh phí quản lý, vận hành nhà chung cư vì đây là quan hệ dân sự giữa các bên. Theo phân tích của sở này, giả sử có hai chung cư giống nhau, người dân chọn chất lượng dịch vụ khác nhau sẽ dẫn đến chi phí phải trả khác nhau.
Ngoài ra, do tình hình giá cả thị trường thường xuyên biến động nên tại thời điểm này chúng ta có thể tính đúng, tính đủ nhưng một thời gian sau sẽ không còn chính xác. Đó là chưa kể nếu ban hành mức phí trần, những chung cư đang có phí quản lý vận hành thấp sẽ có xu hướng tăng theo.
Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng cần chia ra hai trường hợp để xem xét có áp dụng mức trần phí quản lý chung cư hay không. “Với các chung cư thường thì nên ban hành nhưng tại những khu cao cấp, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố thì mức giá trần cũng sẽ không theo kịp. Ví dụ như vị trí của The Landcaster, xung quanh đều cho thuê chỗ để xe hơi với giá hơn 100 USD/tháng, chúng tôi không thể lấy giá thấp hơn. Trong khi đó, giá trần của nhà nước chỉ từ vài trăm ngàn đến một triệu đồng. Những trường hợp chênh lệch như vậy sẽ giải quyết ra sao?” - ông Trung đặt vấn đề.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực lại đồng tình với việc nên ban hành mức trần phí quản lý chung cư nhưng cần phải tính đến việc cơ sở vật chất của mỗi chung cư mỗi khác. “Những chung cư nhiều cây xanh, nhiều dịch vụ tiện ích thì chi phí quản lý đương nhiên phải cao hơn những chung cư không có cây xanh nào. Ngoài ra, tôi đề nghị nên khuyến khích các trường hợp thu phí quản lý chung cư thấp hơn giá trần dự thảo của Sở Xây dựng TP đưa ra” - ông Đực đề nghị.
Xác định sở hữu chung - riêng ngay khi lập dự án
Sở Xây dựng TP.HCM vừa hoàn chỉnh dự thảo quyết định quy định về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Theo dự thảo, phần sở hữu chung, riêng của nhà chung cư phải được phân định rõ ngay trong hồ sơ dự án đầu tư xây dựng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, phần sở hữu chung, riêng của nhà chung cư phải được công khai và ghi cụ thể trong hợp đồng mua bán. Tầng hầm, các tầng thương mại trong nhà chung cư có thể là phần sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc các pháp nhân, thể nhân khác. Phần này cũng phải được ghi rõ trong hồ sơ dự án đầu tư và cần công khai thỏa thuận khi mua bán.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP