Khách hàng tìm hiểu thông tin tại các sàn giao dịch - Ảnh: Tư Liệu |
Hiện nay, toàn quốc có 78 cơ sở đào tạo đã được Bộ Xây dựng công nhận đủ điều kiện hoạt động đào tạo môi giới, định giá, quản lý bất động sản (BĐS) và điều hành sàn giao dịch.
Tuy nhiên, theo Cục quản lý nhà và thị trường BĐS - Cơ quan điều hành Mạng các sàn giao dịch BĐS Viêt Nam, mặc dù được công nhận khá nhiều nhưng phần lớn các cơ sở đào tạo có tư cách pháp nhân là Công ty, cơ sở đào tạo là các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu liên quan tới BĐS chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế này khiến chất lượng đào tạo nghiệp vụ BĐS hiện nay chưa cao cho dù các cơ sở này đã có ý thức tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Các chuyên gia trong ngành viện dẫn: chỉ cần qua 6 buổi học là có thể thành chuyên gia tư vấn, môi giới BĐS. Thời gian này không thể đủ để học về pháp luật, các nghị định, thông tư quy định trong lĩnh vực và hiểu về thủ tục, hồ sơ chứ chưa nói tới kỹ năng hành nghề… Việc quá dễ dãi, đơn giản trong quy định điều kiện hành nghề môi giới, định giá BĐS cũng như thủ tục thành lập Sàn giao dịch BĐS cũng là nguyên nhân dẫn đến trình độ, kỹ năng hành nghề của đội ngũ những người hành nghề kinh doanh dịch vụ BĐS còn yếu.
Được biết, trung bình một năm, các cơ sở đào tạo môi giới, định giá BĐS, quản lý điều hành Sàn giao dịch cấp trên 17.000 giấy chứng nhận về môi giới, định giá, quản lý, điều hành sàn và gần 10.500 chứng chỉ các loại… Cùng với những bất cập của sàn giao dịch BĐS, con số này cũng bộc lộ sự tràn lan trong cấp chứng chỉ hành nghề BĐS.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng đã đến lúc cần đánh giá lại hoạt động của các sàn giao dịch; siết chặt và nâng cao tiêu chuẩn để loại bỏ những sàn nghiệp dư; hướng tới tính chuyên nghiệp. Thậm chí, việc cấp giấy chứng nhận có thời hạn đối với các sàn giao dịch sẽ cũng được tính đến để khách hàng phân biệt được đâu là sàn chuyên nghiệp, phân biệt với các phòng môi giới tư nhân…
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+