Top

Phát triển Nhà ở xã hội Phải làm!

Cập nhật 12/08/2010 14:10

Trao đổi với XD & PL, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nhà ở là loại hình sản phẩm mang tính ổn định cao. Trong đó, nhà ở xã hội (NƠXH) chính là điều kiện đảm bảo cho xã hội ổn định và phát triển. Như vậy có thể nói, NƠXH là yêu cầu khách quan, tất yếu và phải làm.

Nhu cầu tất yếu

Từ bài học của rất nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Singapore… đã làm rất tốt chương trình NƠXH bằng nhiều cách khác nhau và bằng tiềm lực kinh tế của nước họ. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Đó chính là điều tất yếu của quy luật cung cầu. Ông lấy một ví dụ rất cụ thể đó là quy luật 80 - 20, mà theo ông trong bất cứ một DN nào, sẽ có 20% số người lao động cật lực làm ra hiệu quả chính trong SXKD và 80% là những người lao động khác, nhưng so sánh về thu nhập, 20% số người trong doanh nghiệp đó chiếm 80% lương và 80% người lao động chỉ chiếm 20% số lương còn lại. Trong một đô thị, có 20% dân số (là những người giỏi, có nghề, có đầu óc) làm ra 80% thu nhập và 80% dân số (lao động phổ thông, buôn bán nhỏ…) chỉ làm ra khoảng 20% thu nhập, của cải của địa phương đó - họ là người nghèo.

Tương tự, trong lĩnh vực nhà ở, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… những người có nhà ở, thậm chí diện tích sử dụng rất lớn chỉ chiếm 20% dân số nhưng họ lại đang sở hữu đến 80% diện tích nhà ở hiện tại. Số còn lại (80% dân số) đang ở trong những ngôi nhà nhỏ, chật hẹp, họ rất khó khăn về nhà ở… “Chương trình NƠXH không lo nhà cho những người đã đủ hoặc thừa điều kiện về chỗ ở mà chúng ta đang lo nhà ở cho 80% dân số còn lại, những người chưa thể hoặc không bao giờ có thể mua được những ngôi nhà có giá từ 1tỷ đồng trở lên - họ đang rất bức xúc về nhà ở” - Thứ trưởng Nam nói.


Ông Nguyễn Trần Nam
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, xây dựng NƠXH là vấn đề không chỉ có ý nghĩa dân sinh xã hội mà còn có ý nghĩa chính trị, kinh tế và văn hoá đối với đất nước cũng như các địa phương. Giải quyết tốt vấn đề NƠXH sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững. Còn ông Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Phát triển NƠXH phải thực hiện dần dần, lâu dài, tùy theo sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải đưa vào kế hoạch của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và đến chính người dân có thu nhập thấp”.

Không phải nhà bao cấp

Kể từ khi triển khai chương trình xây dựng NƠXH đến nay, đã có 35 dự án đã được khởi công xây dựng với tổng số vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng, xây dựng hơn 730.000m2 sàn, giải quyết chỗ ở cho khoảng 60 nghìn người. Nhiều địa phương đã nỗ lực thúc đẩy tạo lập quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động tại các KCN như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, song song với việc Nhà nước triển khai nhanh chương trình NƠXH, cần phải để người dân, những người trực tiếp được thụ hưởng chính sách này hiểu đây không phải là chương trình bao cấp nhà ở. “Không thể bắt, không thể ép DN làm NƠXH sau đó phân phát cho người dân vì đã là DN, trước hết họ sẽ nghĩ đến lợi nhuận. Tuy nhiên, ngay với các DN, khi tham gia vào chương trình họ cũng được tự tính toán đến việc đảm bảo lãi suất 10% khi xây dựng NƠXH cho người dân, cụ thể là người thu nhập thấp ” - ông Nam nói.

Còn TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, cần đem thực tiễn phát triển nhà ở trong các chương trình trước đây (xây dựng các khu tập thể Trung Tự, Thanh Xuân, Nghĩa Tân…) khi nhà nước bỏ tiền ra xây dựng sau đó cho người hưởng lương Nhà nước thuê, rồi bán hóa giá… để áp dụng vào bài toán phát triển NƠXH để tránh cái bẫy “bao cấp” cho loại hình này. “Then chốt của vấn đề là việc sử dụng đúng đắn công cụ tài chính kết hợp với sự điều tiết của thị trường BĐS cộng với việc thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp sẽ tạo ra các sản phẩm NƠXH đích thực” - ông Liêm nói khẳng định đó chính là lời giải cho bài toán này.

Người không phải nộp thuế cá nhân được mua NƠXH

Quy định về việc chấm thang điểm xét duyệt đối tượng mua NƠXH, Bộ Xây dựng đã xác định các tiêu chí lựa chọn chung tới 90/100 điểm; 10 điểm còn lại sẽ do địa phương quy định. Sở dĩ Bộ Xây dựng để lại 10 điểm cho các địa phương tự quyết căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng vùng. Tuy nhiên từ tháng 11/2009 đến nay, chưa tỉnh thành nào công bố sẽ chấm 10 điểm còn lại ra sao.

Trao đổi với XD & PL sáng 2/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Hiện Bộ đang xây dựng Thông tư hướng dẫn về đối tượng mua NƠXH. Theo đó, những người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân được coi là người thu nhập thấp. “Như vậy, những người thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng có khó khăn về nhà ở chỉ cần có 2 con dấu UBND phường xác nhận khó khăn về nhà ở và cơ quan xác nhận thu nhập là đủ điều kiện mua NƠXH” - ông Nam nói.


Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, dân số Việt Nam là 86 triệu người di cư nội tỉnh trong 5 năm (2005 - 2009) là 3,3 triệu người, tăng 32% so với tổng điều tra năm 1999. Đã có 29,6% dân số sống ở thành thị (năm 2009 là 23,7%), tỷ lệ tăng dân số ở thành thị là 3,4%/năm trong khi tỷ lệ này ở nông thôn chỉ 0,4%/năm. Giữa 2 cuộc tổng điều tra 1999 và 2009, dân số cả nước tăng 9,47 triệu người trong đó số dân đô thị tăng 7,3 triệu người, chiếm 77%.

Theo đó, hiện nay, cứ 10.000 hộ thì vẫn còn 5 hộ không có nhà ở. Trong những hộ có nhà ở, số hộ có nhà kiên cố chiếm 47%, nhà bán kiên cố chiếm 37,8%, nhà thiếu kiên cố chiếm 7,8% và nhà đơn sơ chiếm 7,4%. Nhà đơn sơ tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tỷ lệ 22%), thấp nhất là Đồng bằng sông Hồng (0,2%). Về hình thức sở hữu nhà ở, nhà riêng chiếm 93%, nhà thuê hoặc mượn của tư nhân chiếm 6,4%, các hình thức sở hữu còn lại đều không đáng kể.

Diện tích ở bình quân đầu người của cả nước là 18,6m2, cao nhất là Đông Nam bộ (22m2) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (15,3m2). Phân loại nhà theo thời gian đưa vào sử dụng cho thấy: Có 6% nhà được sử dụng trước năm 1975, 45% sử dụng trong thời gian 1975 - 1999, và 49% nhà được sử dụng từ năm 2000 đến nay.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng