Liên tục trong những tháng gần đây trên địa bàn TPHCM đã xảy ra một số vụ sà lan, tàu thuyền va chạm gây hư hỏng cho các cây cầu. Do đó, nỗi lo cầu sập của người dân thành phố khi lưu thông trên những cây cầu yếu hiện nay là rất khó tránh khỏi.
Nỗi lo cầu sập
Sau hàng loạt sự cố sà lan, tàu thuyền va chạm với các cây cầu trên địa bàn TPHCM như: Mương Chuối (Nhà Bè), An Nghĩa (Cần Giờ), Thị Nghè (quận 1 và Bình Thạnh)… gây hư hỏng đối với cầu và ảnh hưởng đến việc lưu thông qua lại của các phương tiện thủy, bộ, ngày 19 - 11, chúng tôi trở lại một số cây cầu như: Phước Long, Long Kiểng, Rạch Đĩa (huyện Nhà Bè); cầu Kinh Thanh Đa, cầu Đỏ (Bình Thạnh)… đang nằm trong tình trạng báo động.
Với những cây cầu cũ có độ tĩnh không thấp làm cho ghe thuyền, sà lan qua lại dễ bị va chạm. (Ảnh chụp tại cầu kênh Thanh Đa, Bình Thạnh). Ảnh: Đ. Lý |
Có mặt tại cầu Phước Long (Nhà Bè), chỉ mới gần 16 giờ khi triều cường bắt đầu dâng lên, một chiếc ghe lưu thông qua gầm cầu suýt bị vướng lại giữa cầu. Anh Nguyễn Thanh Bình - nhà ở ngay chân cầu Phước Long cho biết: “Cứ mỗi lần nước lên là hàng loạt sà lan phải xếp hàng dài ở mé bờ sông chờ nước rút mới qua được vì cầu quá thấp, nếu sà lan nào muốn qua gấp thì phải dùng cách bơm nước vào sà lan cho chìm xuống mới qua được”.
Tương tự, với các cầu như: Bình Lợi, Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vốn là tuyến đường thủy thường xuyên có nhiều tàu thuyền qua lại, nhưng khoang thông thuyền lại quá hẹp và độ tĩnh không cầu rất thấp khiến sà lan, tàu thuyền rất dễ va chạm vào cầu mỗi khi qua lại nhất là triều dâng cao và nước chảy xiết.
Bên cạnh đó, một số cây cầu khác như: cầu Xây Dựng (bắc qua kênh Bò Cua, quận 2), cầu Đồng Tròn (bắc qua một nhánh sông Đồng Nai, thuộc địa bàn quận 9)... cũng có độ tĩnh không rất thấp. Do đó, chỉ cần một chiếc ghe lớn chui qua là cầu có thể bị “đội” lên.
Ngoài yếu tố tĩnh không cầu quá thấp khiến cho hàng loạt phương tiện thủy gặp khó khăn mỗi khi qua cầu. Hiện nay, vấn đề tải trọng của những cây cầu vốn “già nua” này đang là nỗi lo của không ít người dân mỗi khi qua lại trên cầu.
Theo tìm hiểu, hiện nay các cây cầu này có tải trọng từ 2 - 25 tấn như: Phước Long (8 tấn), Rạch Tôm (2 tấn), Long Kiểng (1 tấn) thuộc huyện Nhà Bè; cầu Kinh Thanh Đa (15 tấn), cầu Đỏ (12 tấn), cầu Đinh Bộ Lĩnh (13 tấn) thuộc quận Bình Thạnh; cầu Đức Nhỏ (18 tấn) thuộc quận Thủ Đức… nhưng hàng ngày những cây cầu này lại phải “cõng” trên mình những chiếc xe quá tải lưu thông qua lại.
Nói về vấn đề này, anh Bình cho biết thêm: “Có nhiều hôm đứng trên cầu bỗng có nhiều xe tải lưu thông một lúc qua là cầu rung lên bần bật và cứ tưởng là cầu sắp sập”.
Dự án nâng cấp, sửa chữa vẫn nằm trên giấy
Theo danh mục được Sở GTVT TPHCM đưa ra cách đây hơn 1 năm, TPHCM có khoảng 50 cây cầu cũ, cầu yếu cần lập dự án sửa chữa, thay thế. Trong số này, có 16 cầu đã duyệt dự án đầu tư, đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu. Số còn lại chỉ mới có dự án đầu tư hoặc kế hoạch cải tạo, nâng tải trọng nhưng vẫn còn nằm… trên giấy.
Trong số danh mục các cây cầu yếu cần cần phải lập dự án sửa chữa, thay thế được Sở GTVT đưa ra trước đó, ngoài cầu Bình Triệu 1 (Thủ Đức), Đa Khoa (quận 7), cầu Tân Thuận 1 (quận 4), Rạch Chiếc (quận 2 và 9)… đã và đang trong giai đoạn nâng tải trọng, sửa chữa và thay thế mới thì số còn lại vẫn chưa được triển khai thực hiện. Chính sự chậm trễ trong tiến độ triển khai thực hiện dự án sửa chữa, thay thế các cây cầu yếu hiện nay trên địa bàn thành phố đã trở thành nỗi lo về cầu sập của người dân mỗi khi đi lại trên các cây cầu này.
Điển hình là trường hợp cầu Sài Gòn bị thủng ngay giữa cầu xảy ra vào đầu tháng 10 vừa qua sau nhiều năm dài đưa vào sử dụng đã khiến nhiều người đi đường một phen “thót tim”. Dù sau khi sự cố xảy ra, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã tiến hành khắc phục, nhưng theo đơn vị này, hiện nay cầu Sài Gòn đang bị xuống cấp nghiêm trọng và để đảm bảo an toàn giao thông cho việc đi lại của người dân nên cần tổng kiểm tra, nâng cấp cầu.
Được biết, hiện nay phương án nâng cấp cầu đang được đơn vị này lập phương án để trình Sở GTVT phê duyệt và tiến hành thực hiện. Hiện nay, câu hỏi mà người dân đặt ra cho chính quyền thành phố đó là liệu đến bao giờ những cây cầu cũ, cầu yếu được duy tu sửa chữa và thay thế nhằm đảm đảm an toàn giao thông cho người dân vẫn đang bị bỏ ngỏ!
Một số vụ tàu thuyền, sà lan qua lại gây hư hỏng cầu trên địa bàn TPHCM thời gian gần đây: Ngày 17-11-2009, chiếc sà lan mang số hiệu BV 0976 đang thi công gói thầu số 10, do nhà thầu China State Construction Engineering Corporation (Trung Quốc) thi công, thuộc dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè) chở các thanh cừ lá sen đang neo đậu trên kênh Thị Nghè bị đứt dây neo, trôi dạt và đụng mạnh vào mạn sườn dầm cầu Thị Nghè thuộc phường 19 quận Bình Thạnh TPHCM làm cầu bị hư hỏng và kẹt xe suốt 4 tiếng đồng.
Ngày 22-10, tại cầu An Nghĩa (huyện Cần Giờ) một sà lan neo đậu gần đó đứt neo trôi tự do va vào làm gãy trụ cầu này. Trước đó ngày 19-9, cầu Mương Chuối (xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè) bị chiếc tàu Lady Belinda Moroni Preetown Imo đang neo đậu trên sông Soài Rạp đã trôi đụng và gây hư hỏng nặng phải sửa chữa…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng