Top

Ông Huỳnh Uy Dũng “tố” Chủ tịch tỉnh: Đại gia “chơi trội” hay “dũng cảm”?

Cập nhật 31/10/2013 15:47

Sau sự kiện biến con trai 1 tuổi thành “tỷ phú” đình đám thời gian vừa qua, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam lại khiến dư luận xôn xao với việc đâm “đơn tố cáo” gửi Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ đối với ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Nội dung tố cáo ông Lê Thanh Cung làm trái pháp luật, khi không  phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất ở rộng hơn 61,5 ha trong Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3 và một số nội dung khác. Thực hư của vụ việc ra sao, cần đến giải trình của hai phía và sự vào cuộc của Chính phủ.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam ở góc độ pháp lý, một vài nhìn nhận, đánh giá về sự việc hy hữu này.

KCN Sóng Thần 3 đã được quy hoạch hoàn thiện một phần.

Gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư?

Vừa qua, ông Huỳnh Uy Dũng làm đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm trái pháp luật, khi không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Ngoài ra, ông Dũng còn tố cáo ông Cung ký văn bản không cho chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất này, cũng không trả lời về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Sóng Thần 3. Luật gia đánh giá sự việc này như thế nào?

Hiện nay, hệ thống pháp luật nước ta trong lĩnh vực dân sự - kinh tế có nhiều điều luật “đa nghĩa”. Cùng một điều luật trong một số trường hợp có thể hiểu và vận dụng khác nhau. Đối với vụ việc ông Huỳnh Uy Dũng ứng trước tiền từ các cán bộ công nhân viên để xây nhà ở, UBND tỉnh Bình Dương ủng hộ, đồng tình thì cho rằng góp vốn để xây dựng khu nhà ở cho công nhân như báo cáo trước đây của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương. Nhưng không ủng hộ thì dẫn dắt sự việc theo hướng ông Dũng đã phân lô bán nền khi pháp luật chưa cho phép như nhận định sau này của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Theo tôi, giải quyết sự việc nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh nói riêng và tập thể lãnh đạo tỉnh nói chung cần phải nhìn nhận lại toàn bộ sự việc và thể hiện cái tình của người lãnh đạo. Vì vào năm 2004, trong lúc tỉnh khó khăn, thiếu nợ Bộ Tài chính 1.000 tỷ đồng và sắp đến hạn phải trả. Để giải quyết khó khăn, tỉnh kêu gọi ông Huỳnh Uy Dũng giúp. Là một doanh nhân gắn liền với sự phát triển của kinh tế Bình Dương, ông Dũng đã nhiệt tình hưởng ứng, huy động nhiều nguồn tiền vay ngân hàng bằng việc đầu tư mua lại khu đất của tỉnh, Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Với số tiền ông Dũng mua khu đất trên, tỉnh đã có thêm một khoản tiền tương đối lớn để trả nợ. Sau đó, ông Dũng bắt tay thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3 từ khu đất trên. Trước khi thực hiện dự án này, ông Dũng được UBND tỉnh hứa ủng hộ, giải quyết quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng nay lại ngâm dự án, không giải quyết quyền lợi, đẩy doanh nghiệp vào thế bí là việc làm đáng phê phán, lên án. Đây là chính sách đẩy doanh nghiệp vào bờ vực phá sản, không tạo được công việc làm cho người lao động.

Thời hạn theo ông Dũng tố cáo thời gian không phê duyệt dự án là 7 năm, còn UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận là 3 năm không phê duyệt quy hoạch và nói trách nhiệm phê duyệt không thuộc của mình mà thuộc Thủ tướng Chính phủ. Ông đánh giá vấn đề trên như thế nào?

Thời gian bảy năm hay ba năm không phê duyệt quy hoạch mà cũng không có phúc đáp cho doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản kiến nghị là điều không thể chấp nhận được. Việc “ngâm” không phê duyệt quy hoạch trên vừa sai về pháp luật và sai về lý. Tôi cho rằng, trong trường hợp này, chủ đầu tư đã nộp tiền, đóng thuế đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bị đình trệ tiến độ đầu tư trên phần đất xin phê duyệt quy hoạch 1/500 nên đã gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư.

Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thuộc về ai thì phải xem lại chi tiết quy hoạch, quy mô dự án. Trong trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng hoặc không được điều chỉnh quy hoạch đã phê duyệt thì UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành chức năng cũng là đơn vị có trách nhiệm chính xem xét, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc và kịp thời kiến nghị lên Thủ tướng để giải quyết quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp chứ không phải kéo dài như trường hợp này.

Cần xem xét giải quyết thấu đáo, phân định đúng - sai

Việc ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo doanh nghiệp của ông đã bị thiệt hại từ việc tắc trách của UBND tỉnh Bình Dương. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cũng lên tiếng trên công luận tố ngược lại ông Huỳnh Uy Dũng đã sai phạm trong việc thực hiện dự án nêu trên. Hậu quả pháp lý như thế nào?

Nếu vụ việc được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết: Đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chấp thuận kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ thì ngoài việc xem xét toàn bộ quá trình đầu tư, hoạt động của dự án, quy hoạch sử dụng đất, thiệt hại của doanh nghiệp do dự án bị trì hoãn thực hiện cũng như các văn bản, quyết định của UBND tỉnh Bình Dương đối với vụ việc này, biện pháp khắc phục, Thanh tra Chính phủ còn cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, cũng như xem xét các dấu hiệu vi phạm pháp luật như cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... cũng như các sai phạm của chủ đầu tư nếu có. Từ đó, đề xuất biện pháp giải quyết vụ việc. Chúng ta cần phải chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng.

Vụ việc tố cáo cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm trái pháp luật của ông Huỳnh Uy Dũng liên quan đến dự án nêu trên thì UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan hữu quan phải giải quyết như thế nào?

Ông Huỳnh Uy Dũng đã có đơn tố cáo gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, để vụ việc được giải quyết công tâm, khách quan, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng với các bộ ngành liên quan thanh tra toàn bộ nội dung tố cáo, quá trình thực hiện dự án và phản hồi của UBND tỉnh Bình Dương. Nếu việc quy hoạch chi tiết 1/500 mà ông Dũng đã trình lên là phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/2000 trước đây, thì nên nhanh chóng chấp thuận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện dự án. Nếu không phù hợp thì các cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp cũng phải ngồi lại để tìm hướng giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhiều công nhân lao động đã góp tiền mong có nhà ở và quyền lợi của doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác, đây là đầu tiên một “đại gia” dám đứng lên công khai tố cáo một lãnh đạo cao cấp của tỉnh. Ông nhận định sự việc này như thế nào?

Việc một doanh nghiệp lớn tố cáo lãnh đạo tỉnh có dấu hiệu tắc trách, thiếu trách nhiệm như vụ việc này đã tạo quan tâm lớn của xã hội, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo tỉnh. Trong khi nhiều tỉnh thành cả nước mời gọi đầu tư, sẵn sàng tạo nhiều điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho doanh nghiệp thì vẫn còn một số địa phương cố tình gây khó khăn, trách tắc với doanh nghiệp. Việc này cần phải xem xét giải quyết thấu đáo để phân định đúng sai.

Đôi lúc cũng cần sự dũng cảm mạnh mẽ

Trao đổi với PV, luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ: “UBND tỉnh Bình Dương quản lý đúng cách, đúng luật thì sự việc đã không xảy ra. Đạo lý “con giun xéo lắm cũng quằn”, đơn giản là khi quyền lợi của nhà đầu tư, của doanh nghiệp một khi bị đẩy tới giới hạn nào đó thì họ sẽ có phản ứng. Trong thương trường, doanh nhân đôi lúc cũng cần phải dũng cảm, mạnh mẽ nói lên những điều bất hợp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tôi hoan nghênh hành động này”.


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Biểu Nhân Dân