Top

Nhiều địa phương muốn siết đầu tư khách sạn nhỏ

Cập nhật 31/10/2013 13:24


Một khách sạn ở Hội An - Ảnh: Đào Loan

Sau một thời gian phát triển nhanh các khách sạn, resort, một số địa phương bắt đầu tính toán, quy hoạch lại hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp với đặc thù phát triển du lịch của từng nơi. Một vài địa phương không muốn xây nhiều khách sạn, resort loại nhỏ do muốn có những dự án khách sạn lớn để có thể cung cấp được thêm dịch vụ cho du khách và tăng chất lượng dịch vụ.

Tại tỉnh Bình Thuận, khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, nơi được mệnh danh là "thủ phủ resort", không còn đất ven biển cho nhà đầu tư. Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, không chỉ những vùng đất ven biển thích hợp để xây dựng các resort kín chủ mà nhà đầu tư cũng xây dựng nhiều khách sạn, nhà nghỉ nhỏ trong thành phố. Vì thế, những địa phương này đã chọn lọc dự án hơn.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết Bình Thuận hiện có 10.000 phòng. Số phòng này không thiếu để phục vụ khách nhưng cái thiếu là những khách sạn đủ phòng để đón những đoàn khách lớn nên thường đoàn cỡ 200 khách là phải ở những khách sạn khác nhau.

Ông Chính nói thêm rằng Bình Thuận còn thiếu những dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao nên ngành du lịch tỉnh này muốn thay đổi việc đầu tư.

Trước đây tỉnh chấp nhận những dự án xây resort trên diện tích chỉ từ 1 - 2 héc ta thì nay diện tích phải là 5 héc ta trở lên. Tỉnh ủng hộ và có nhiều chính sách ưu đãi cho những dự án lớn, xây dựng những khu phức hợp vui chơi, giải trí và lưu trú như dự án Delta Valley rộng 1.000 héc ta hiện đang trong quá trình xây dựng tại đây.

"Chúng tôi cho rằng xây dựng khách sạn, resort phải định hướng rõ xây cho ai, thị trường nào, nhu cầu ra sao để phát huy hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi không muốn phát triển những cơ sở lưu trú nhỏ", ông nói.

Hiện tỉnh Bình Thuận cũng có chủ trương khuyến khích những resort nhỏ sáp nhập để tạo nên các cơ sở lưu trú lớn hơn và phát triển những dự án lớn kéo ra khu vực Hàm Thuận Nam, La Gi.

"Đã có một resort ở Mũi Né mua lại một resort khác ở gần đó để tạo nên một khu lớn hơn. Tỉnh ủng hộ việc này và có một số chủ trương ưu đãi cho nhà đầu tư", ông Chính nói.

Đà Nẵng hiện có đến 300 khách sạn từ 1- 2 sao, và số khách sạn từ 3-5 sao chỉ vào khoảng hơn 50 khách sạn. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ tiêu chuẩn từ 3- 5 sao tăng trưởng đều đặn. Trong khi đó, tình hình kinh doanh ở phân khúc từ 1-2 sao không tốt, chỉ có khách ở một số thời điểm cao điểm du lịch và thừa phòng.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy khách du lịch đến nhiều nên đã xây rất nhiều khách sạn từ 1- 2 sao làm số khách sạn loại này tăng vọt. Nhưng nhu cầu sử dụng phòng tiêu chuẩn thấp lại không cao nên hiện nay cung đã vượt cầu. Sở cho rằng cần phải có những khuyến cáo để nhà đầu tư biết tình hình hiện tại để tính toán phương thức đầu tư hiệu quả.

Hồi tuần trước, UBND thành phố Hội An đã có thông báo về việc một số khu vực ở thành phố đã hết chỉ tiêu xây dựng cơ sở lưu trú nên ngừng tiếp nhận hồ sơ xin phép kinh doanh loại hình dịch vụ này. Theo đó, nhiều tuyến đường ở khối An Hội, phường Minh Anh, đường Trần Nhân Tông... không cấp phép cho loại hình dịch vụ homestay (khách du lịch lưu trú tại nhà dân); các khối phố Thanh Tây, Thanh Nam, đường Nguyễn Du - Ngọc Thành, Hùng Vương... không còn chỗ cho loại hình biệt thự du lịch và nhiều tuyến khác như đường Nguyễn Du - Ngọc Thành, khối 2-3 Ngọc Thành... sẽ không cấp phép thêm cho dự án xây khách sạn.

Tính đến nay, Hội An đã có 134 cơ sở lưu trú các loại với 3.906 phòng, trong đó 61 nhà dân tham gia loại hình homestay. Bình quân mỗi ngày, đô thị cổ Hội An đón khoảng 2.000 lượt khách tham quan, trong đó nhiều khách không nghỉ tại các cơ sở lưu trú tại đây.

Cần thêm khách sạn từ 3 - 5 sao

Trong lần trao đổi hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa... đang tăng trưởng rất nhanh về số lượng khách sạn có chất lượng cao nhưng nhiều vùng du lịch trọng điểm khác vẫn thiếu nên cần đầu tư thêm. Ngành du lịch vẫn cần thêm nhiều khách sạn và muốn kêu gọi nhà đầu tư xây dựng những khách sạn từ 3-5 sao tại những vùng du lịch trọng điểm như Phú Quốc, khu vực miền Trung... Vào năm ngoái, công suất phòng bình quân của hệ thống khách sạn trên cả nước đạt khoảng 58%.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo kinh tế sài gòn