Top

Ồ ạt M&A dự án địa ốc

Cập nhật 26/12/2012 15:35

Vinaconex đang tìm đối tác bán lại 50% cổ phần tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh. Ảnh: Hà Thanh

Số lượng các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) tại các dự án bất động sản đang tăng lên từng ngày, nhưng giá bán lại giảm.

Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ VietinBank công bố thông tin mua hơn 80% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư PV - Inconess, đơn vị sở hữu Dự án Sân golf Yên Thắng (Ninh Bình).

Một “đại gia” trong làng bất động sản là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) cũng đang tìm đối tác bán lại 50% cổ phần tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Liên doanh An Khánh JVC) thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp. Liên doanh An Khánh JVC là đơn vị chủ quản Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Bắc An Khánh (hiện được đổi tên là Splendora) với diện tích 245 ha.

Một thương vụ khác là VinaCapital chào bán 50% cổ phần tại Khách sạn Metropole Hà Nội, với giá chào bán tương đương giá trị sổ sách 58,7 triệu USD.

Trước đó, tháng 10/2012, Đất Xanh Group đã bỏ ra 250 tỷ đồng để mua lại Dự án Sunview5. C.T Group mua 95% cổ phần của GS Củ Chi với giá 24 triệu USD để sở hữu dự án sân golf 36 lỗ và khu biệt thự tại Củ Chi. Công ty Hoàng Quân cũng đã mua lại Dự án Võ Đình tại quận 12 (TP.HCM) với quy mô 208 căn hộ; C.T Group tiếp tục mua Dự án Sunview3 và Behome2 từ Thiên Lộc với giá 14,4 triệu USD. Trong thương vụ này, Đất Xanh Group tham gia mua lại toàn bộ phần căn hộ Sunview3 với giá 300 tỷ đồng; Hoàng Quân thực hiện thương vụ thứ 2 khi hợp tác với Công ty Thương mại Hóc Môn để phát triển Dự án Hóc Môn Plaza và được đổi thành Dự án Cheery3…

Theo Công ty cổ phần Tư vấn bất động sản Sohovietnam, nhu cầu chào bán dự án bất động sản ngày càng tăng, từ 100 dự án hồi đầu năm 2012 lên 300 dự án hiện nay. Đáng chú ý, theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, hiện giá chào bán các dự án bất động sản giảm 35 - 40% so với trước đây. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm, càng có nhiều chủ đầu tư chào bán dự án, do sức ép nợ nần từ ngân hàng, hoặc nhà thầu. Điều này càng cấp bách hơn khi nhiều người cho rằng, nếu không bán nhanh trong năm nay, thì sang năm 2013 càng khó bán hơn.

Theo Công ty Tư vấn và Nghiên cứu bất động sản CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản đã trì trệ trong hơn 3 năm qua, làm cho phần lớn các công ty phát triển bất động sản không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án. Đây là lý do buộc các doanh nghiệp bất động sản phải bán bớt một số dự án trong danh mục đầu tư, để lấy vốn thực hiện những dự án còn lại. Và hoạt động M&A là nhu cầu cấp thiết của nhiều chủ đầu tư trong thời gian tới đây.

Nhận định về thị trường M&A bất động sản năm 2013, ông Phan Xuân Cần cho biết, giao dịch sẽ tăng mạnh, do người bán đã giảm giá sâu và người mua cũng quyết tâm mua với nhu cầu thật. “Có thể sản phẩm đó sẽ được sử dụng vào các mục đích như xây dựng văn phòng, trụ sở kết hợp cho thuê, làm siêu thị, xây khách sạn… Ngoài những giao dịch mua đứt dự án, thị trường sẽ xuất hiện các xu hướng liên kết, hợp tác. Trong đó, nhà đầu tư mới sẽ nắm cổ phần chi phối, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án. Đây có thể sẽ là xu hướng chủ đạo của M&A năm 2013, bởi việc mua lại dự án thuận lợi hơn so với triển khai dự án”, ông Cần nhận xét.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành và là Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital tại Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư không nên mua từng dự án, mà nên mua cả tài sản của công ty thông qua thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, với diễn biến hiện tại trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty bất động sản luôn có giá trị giao dịch thấp hơn giá trị tài sản thực tế (bao gồm cả các dự án).
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư