Giải pháp phá băng thị trường bất động sản được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tuần qua đem lại nhiều hy vọng cho sự phục hồi của thị trường này.
Tuy nhiên, nhiều nội dung tại Dự thảo Nghị định Quản lý và phát triển Nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng đề xuất khiến nhiều doanh nghiệp hoài nghi về việc tạo ra một cơ chế đồng bộ.
Ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định bộc bạch, dù các doanh nghiệp bất động sản TP. HCM đã kiến nghị trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và được Bộ trưởng nhất trí cao những kiến nghị này, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy Bộ triển khai thực hiện. Ngoài ra, những giải pháp và kiến nghị của Bộ trưởng tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII vừa qua cũng chưa thấy Bộ triển khai.
Muốn phá băng thị trường bất động sản, cần cơ chế đồng bộ từ nhiều phía |
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bức xúc khi có những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhưng Bộ Xây dựng không làm ngay. Chẳng hạn như TCVN 323:2004 quy định tỷ lệ và diện tích căn hộ trong các chung cư cao tầng như là căn hộ nhỏ (A: có diện tích từ 50 - 70 m2), trung bình (B: từ 75 - 100 m2), lớn (C: từ 105 - 125 m2). Như vậy, lỗi về cơ cấu sản phẩm không phải chỉ do phía doanh nghiệp, mà do quy định từ cơ quan quản lý. Đó cũng là lý do vì sao thị trường tràn ngập căn hộ cao cấp, trong khi thiếu các căn hộ cho người có thu nhập trung bình.
Về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đồng ý cho phép xây căn hộ có diện tích 25 m2, nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào được ban hành.
“Tại sao Bộ Xây dựng không thể tạo một sân chơi sòng phẳng về vấn đề nhà ở xã hội. Tại sao cứ phải gán nhà ở xã hội vào dạng ‘ưu tiên’ mà không để phát triển theo thị trường. Trong khi nhà ở xã hội làm theo phương thức thương mại thì Nhà nước không phải bỏ tiền, chỉ cần điều kiện như nhà ở xã hội là đất sạch và thuế”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành bức xúc.
Không chỉ có vậy, việc đề xuất Nhà nước mua lại nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư và nhà ở xã hội được các doanh nghiệp bất động sản đánh giá là không mấy khả thi, bởi những căn hộ này đa phần là căn hộ lớn, có giá trên 1 tỷ đồng, vượt qua khả năng của những người có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, căn hộ tái định cư lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện được hỗ trợ, đền bù, ngân sách của các địa phương… Đó là lý do chủ trương mua căn hộ làm nhà tái định cư trước đó của TP. HCM không thể thực hiện được.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành phân tích thêm về những bất cập trong quy định chỗ để xe. Theo quy định, tính từ 4 - 6 hộ có 1 chỗ để xe ô tô với tiêu chuẩn diện tích là 25 m2/xe; chỗ để xe môtô, xe máy 2 xe máy/hộ với tiêu chuẩn diện tích từ 2,5 - 3 m2/xe và 1 xe đạp/hộ với tiêu chuẩn diện tích 0,9 m2/xe. Như vậy, theo quy định này, nếu xây nhà ở xã hội thì người thu nhập thấp phải gánh mức phí “gấp đôi” người thu nhập cao, bởi diện tích căn hộ bé thì dân số tăng lên, trong khi quy định về chỗ đỗ xe không thay đổi, mà người thu nhập thấp thì lại không có ô tô.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức cho rằng, muốn phá băng thị trường bất động sản, cần cơ chế đồng bộ từ nhiều phía, Bộ Xây dựng “gỡ” về quy chuẩn, quy định chưa hợp lý, Bộ Tài chính gỡ về thuế, Ngân hàng Nhà nước gỡ về lãi suất cho vay, chính quyền địa phương gỡ về thủ tục hành chính… Các giải pháp này phải được tiến hành cùng một lúc thì thị trường mới có hy vọng được cứu.
Trao đổi với phóng viên ĐTCK, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu những nội dung trong Dự thảo Nghị định được Chính phủ thông qua mà không bổ sung những kiến nghị mà doanh nghiệp đã góp ý thì cũng chỉ tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp “con cháu” thuộc Bộ Xây dựng hoặc doanh nghiệp là “sân sau” của cơ quan nọ, ngành kia, chứ không phải là một sân chơi sòng phẳng để huy động sức dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán