Mặc dù đã thu xếp xong vốn, tìm được nhà thầu để có thể khởi công vào cuối tháng 3/2009, nhưng tiến độ tổng thể của Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn có thể bị phá vỡ nếu nút thắt về giải phóng mặt bằng (GPMB) không sớm được tháo gỡ.
“Thông” bài toán vốn và nhà thầu
Đến thời điểm này, việc huy động 1,216 triệu USD vốn cho Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 245 km, từng được coi là thách thức lớn nhất đã được chủ đầu tư là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) giải quyết xong.
Sở dĩ việc huy động vốn từng được coi là thách thức lớn nhất là do phương thức huy động vốn tại Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có khá nhiều điểm khác biệt so với tất cả các dự án xây dựng hạ tầng khác đã từng triển khai tại Việt Nam.
Thứ nhất, tại dự án này, 100% vốn do VEC tự huy động, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tất cả vốn của Dự án dù được huy động dưới hình thức phát hành trái phiếu hay vay lại vốn tín dụng của ADB, VEC đều phải có trách nhiệm hoàn trả từng đồng vốn vay cho Chính phủ và các nhà đầu tư tài chính.
Thứ hai, trong số 1.249 triệu USD tổng mức đầu tư của Dự án, ngoại trừ khoản vay ưu đãi (ADF) trị giá 200 triệu USD dự kiến được ADB cho vay với mức lãi suất 1%/năm trong 8 năm đầu và 1,5%/năm cho 24 năm tiếp theo, tất cả các khoản vay còn lại VEC đều phải trả với mức lãi suất vay thương mại. Trong đó, 896 triệu USD sẽ được Chính phủ cho vay lại từ ADB với lãi suất 5,83%/năm; 153 triệu USD còn lại sẽ được huy động bằng hình thức phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ.
Sau khi các phương án huy động vốn được thông quan, Bộ GTVT và ADB cũng đã chấp thuận cách thức tổ chức đấu thầu theo theo hình thức cạnh tranh quốc tế có vòng sơ tuyển (ICB), VEC đã thông qua kế hoạch đầu thầu vào giữa tháng 8/2008 và đã hoàn tất quá trình sơ tuyển nhà thầu cho cả 8 gói thầu xây lắp của Dự án.
Hiện tại, VEC đã xác định được nhà thầu trúng thầu tại gói thầu số A1 là Posco Engineering & Construction (Hàn Quốc) với giá trúng thầu là 2.554,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 40 tháng. Đây là gói thầu đầu tuyến nằm trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc mà chủ đầu tư đã lựa chọn để tiến hành khởi công toàn Dự án vào cuối tháng 3/2009.
Ì ạch công tác GPMB
Theo các chuyên gia tài chính, điểm được coi là mấu chốt trong công tác huy động vốn là VEC đã thuyết phục được nhà tài trợ (ADB) cho phép ký hiệp định vay vốn sau khi đã tuyển chọn được nhà thầu xây lắp để giảm phí cam kết. Vì vậy, công tác chuẩn bị dự án diễn ra hết sức tích cực và chuyên nghiệp... song vẫn còn 1 nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư và nhân tố đó có thể làm đảo lộn bài toán tài chính ban đầu, đó là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo quy định chung đối với các dự án hạ tầng giao thông, công tác GPMB tại Dự án được tách thành tiểu dự án riêng giao cho UBND các tỉnh có tuyến đi qua thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1665/TTg - CN ngày 17/10/2006. Và, như các dự án hạ tầng giao thông đã và đang triển khai, tiến độ xây lắp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào công tác GPMB.
Với diện tích đất chiếm dụng khoảng 2.467 ha thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, dù đã cố gắng tránh các khu dân cư đông đúc, đây vẫn là một công việc phức tạp bởi thời gian tính từ lúc VEC bàn giao các tiểu dự án GPMB cho địa phương tới khi dự án chính được khởi công chỉ khoảng 8 tháng.
Mặc dù chủ đầu tư đã hết sức chủ động, đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương, song ngoại trừ tỉnh Lào Cai, tiến độ GPMB tại các tỉnh, thành phố đang diễn ra khá chậm. Tính đến giữa tháng 2/2009, các địa phương mới giải ngân được khoảng 23% (470/1.629 tỷ đồng) so với số vốn phục vụ công tác GPMB đã đăng ký với chủ đầu tư, trong đó, đáng lo ngại nhất là công tác GPMB phần diện tích Dự án chiếm dụng tại TP.
Hà Nội. Với chiều dài 7,6 km đi qua 4 xã của huyện Sóc Sơn, khối lượng giải ngân lũy kế tại địa phương này sau 13 tháng triển khai hiện mới đạt 1,3%! Thậm chí, TP. Hà Nội còn chưa khởi động công việc đầu tiên trong quy trình GPMB là kiểm đếm đất ở, nhà ở và công trình công cộng bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là, công việc của phía chịu trách nhiệm GPMB cho dự án tại Hà Nội mới chỉ dừng lại ở các cuộc họp.
Tình hình triển khai công tác GPMB tại Yên Bái, nơi phần lớn tuyến đường đi qua cũng không khá hơn là bao. Hiện tại, khối lượng ngân tại Tiểu dự án GPMB do UBND tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư đạt khoảng 2,2%, tương đương 15,5 tỷ đồng. Trong khi đó khối lượng vốn bố trí cho Tiểu dự án này lên tới 304 tỷ đồng.
“Nếu lãnh đạo các địa phương nơi dự án triển khai không tích cực, thì Dự án sẽ lại sa lầy, chậm tiến độ thêm vài ba năm như rất nhiều dự án hạ tầng khác ở Việt Nam.
Đó sẽ là một ảnh hưởng nặng nề tới tính khả thi của dự án, khi mà trung bình mỗi ngày với mức vay đã được đàm phán, dự án phải trả cả hàng chục ngàn USD lãi suất”, ông Phùng Minh Mỡ, Giám đốc Dự án lo ngại.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư