Top

Những việc “nóng” nhất: Đất, nhà, đường phố

Cập nhật 09/06/2008 14:00

169 kiến nghị của cử tri đã được tập hợp để gửi tới Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XIII sẽ diễn ra trong hai ngày 13 và 14-6.

Ngoài 48 kiến nghị chung về các vấn đề kinh tế, quy hoạch-quản lý đô thị, văn hóa-xã hội-đời sống, xây dựng chính quyền, có đến 101 kiến nghị mới về các vấn đề cụ thể của 14 quận, huyện. Ngoài ra, lần đầu tiên 20 ý kiến phản hồi của cử tri sau khi đã nghe trả lời của UBND TP đã được tập hợp để yêu cầu trả lời lại.

Thắc mắc đất đai, nhà ở : Nhiều và phức tạp

Có tới hàng chục kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề đất đai, nhà ở, hầu hết không mới, nhưng đều là những vấn đề thời sự, gây không ít bức xúc trong  dân và khó khăn cho TP trong khi thực thi các nhiệm vụ quản lý.

Chẳng hạn, cử tri đề nghị TP cần thúc đẩy việc bàn giao nhà theo Nghị định 61 hiện đang đình trệ khiến tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà-đất cho người dân rất chậm. Trong khi đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB chưa đồng bộ, cử tri cho rằng, TP cần thống nhất để tránh tình trạng một dự án có nhiều đơn giá bồi thường khác nhau.

Tại quận Thanh Xuân, hiện đang tồn đọng 3 vụ việc gây bức xúc trong dân cư được cử tri kiến nghị. Những vụ việc này đều đã được UBND TP trả lời, nhưng chưa rõ là có giải quyết được không và thời gian giải quyết xong là khi nào.

Thứ nhất là vụ thực hiện Kết luận 578 của Thanh tra TP về xử lý vi phạm trong quản lý đất đai ở phường Nhân Chính và phố Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung. Thứ hai là vụ thực hiện bản án 757 của TAND TP năm 1995 về vi phạm quản lý, sử dụng đất tại khu vực Đầm Hồng-phường Khương Đình. Thứ ba là vụ thu hồi 78m2 đất của bà Vân và trường hợp xây dựng không phép của gia đình ông Cao Minh tại phường Khương Trung. Cử tri đề nghị UBND TP xử lý dứt điểm các vụ việc này.

Trong số những kiến nghị liên quan đến đất đai, nhà ở, cử tri còn kiến nghị về các vấn đề: Đề nghị UBND TP sớm thực hiện Điều 48 Nghị định 84/2006/NĐ-CP để tạo thuận lợi cho cơ sở triển khai GPMB; tình trạng bỏ hoang và lấn chiếm đất ở xã Vân Nội - Đông Anh (khu đất 28.773 m2 do HTX Hồng Vân quản lý); UBND TP cần công bố Quy chế kiểm kê tài sản công để người dân tham gia giám sát nhằm tránh thất thoát tài sản công là đất đai; làm rõ tình trạng thiếu nhất quán trong chính sách về thu tiền sử dụng đất 20%; yêu cầu thu hồi 8 gian nhà của Công ty Lương thực Đống Đa sử dụng sai mục đích; tại sao 118 hộ dân ở phường Hạ Đình đã sử dụng đất từ trước ngày 15-10-1993 vẫn không được cấp “sổ đỏ”…

Giải quyết tình trạng đường phố xuống cấp và úng ngập

Phổ biến trong số kiến nghị của cử tri là về nâng cấp đường phố, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng đường... Cử tri huyện Đông Anh đề nghị nâng cấp tuyến đường từ ga Đông Anh đi Công ty Xích Líp Đông Anh và đoạn đường từ Cổ Loa đi ngã ba xay xát Đông Quan (đã có quyết định đầu tư nhưng chưa thực hiện).

Cử tri huyện Gia Lâm tiếp tục đề nghị UBND TP chỉ đạo đẩy nhanh các dự án đường 181 (Hà Nội-Bắc Ninh), đường Dốc Hội-Đại học Nông nghiệp I, đường Dốc Lã-Ninh Hiệp-Phù Đổng-Trung Mầu. Cử tri quận Hai Bà Trưng đề nghị cho cải tạo đường Lạc Trung, đường Vân Đồn, đường Bạch Đằng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai I (đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái).

Cử tri quận Hoàn Kiếm kiến nghị cải tạo đường Hồng Hà, kết hợp với việc lắp đèn tín hiệu cho hệ thống giao thông tại cửa khẩu Hàm Tử Quan. Cử tri quận Thanh Xuân đề nghị TP cải tạo, nâng cấp các trục đường, tuyến phố xuống cấp gồm: phố Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân, đường Tôn Thất Tùng kéo dài; phố Khương Trung; phố Quan Nhân, phố Cự Lộc; phố Nguyễn Văn Trỗi; phố Triều Khúc.

Cử tri huyện Thanh Trì yêu cầu cải tạo tuyến đường Vĩnh Quỳnh-Đại Áng; Đại Áng-Tả Thanh Oai; Đại Áng-Liên Ninh (vừa cải tạo đã xuống cấp). Cử tri huyện Từ Liêm đề nghị nâng cấp đường K2 thị trấn Cầu Diễn và tuyến đường từ đường 32 vào khu Trại giam Hà Nội; đồng thời đầu tư xây dựng đường từ phường Yên Hòa (Cầu Giấy) qua thôn Đình Thôn-xã Mỹ Đình đi xã Mễ Trì và sân vận động quốc gia. Cử tri Từ Liêm còn phản ánh đường Xuân Đỉnh đã giao cho Công ty II thuộc Sở GTVT duy tu, sửa chữa nhưng hiện nay vẫn xuống cấp nghiêm trọng.

Trong khi đó, cử tri tiếp tục đánh giá thấp hệ thống thoát nước của TP và đề nghị UBND TP giải thích rõ tại sao đã đầu tư rất nhiều kinh phí mà tình trạng ngập úng trên nhiều tuyến đường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều điểm ngập úng nghiêm trọng nhiều năm vẫn tiếp tục tái diễn.

Nhiều dự án còn gây bức xúc

Các kiến nghị liên quan đến các dự án đã, đang và dự kiến triển khai trên địa bàn TP cũng khá nhiều, trong đó nhiều kiến nghị đã được nhắc lại qua nhiều kỳ họp.

Nổi bật là các dự án cải tạo chung cư cũ. Cử tri ở các quận, huyện có chung cư cũ đều bày tỏ mong muốn TP hoàn chỉnh chính sách, đồng thời đẩy nhanh các dự án cải tạo đã chuẩn bị, đặc biệt là đối với các khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng như E6-E7 Quỳnh Mai; B6, C7 Giảng Võ; Nguyễn Công Trứ… Cử tri cho rằng, chiều cao nhà xây dựng mới chỉ khoảng 10 tầng là phù hợp.

Liên quan quy hoạch đường Vành đai 2,5, cử tri phường Tân Mai, Giáp Bát (Hoàng Mai) tiếp tục đề nghị TP làm rõ việc thay đổi các quyết định về quy hoạch và về mức giá bồi thường không sát thị trường.

Cử tri quận Tây Hồ thì chưa tán thành trả lời của UBND TP về dự án IDC trên địa bàn phường Yên Phụ, vì cho rằng dự án này là hoạt động kinh doanh bất động sản của tư nhân, việc thu hồi đất ở ổn định lâu năm của nhân dân để làm nhà bán là sai chủ trương của Nhà nước. Cử tri huyện Đông Anh đề nghị thu hồi khu đất 5.000m2 đất ở xã Nam Hồng thuộc dự án xây dựng nhà ở của cụm cảng hàng không, dù đã được giao từ năm 2001, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

Các dự án công viên, cống hóa các mương thoát nước bị ô nhiễm nghiêm trọng được cử tri đặc biệt quan tâm. Trong khi cử tri quận Hai Bà Trưng yêu cầu công khai quy hoạch dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô, thì cử tri quận Thanh Xuân yêu cầu UBND TP điều chỉnh quy hoạch dự án công viên cây xanh hồ điều hòa Hạ Đình. Cử tri phường Thụy Khuê (Tây Hồ) yêu cầu sớm thực hiện dự án cống hóa mương thoát nước trên địa bàn.

Cử tri huyện Đông Anh, Gia Lâm cùng yêu cầu UBND TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử như Cổ Loa, Nam Hồng (di tích địa đạo), đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, đền thờ Thánh Gióng, đền thờ Chử Đồng Tử…

Có thể nói, 169 kiến nghị của cử tri toàn thành phố gửi tới kỳ họp 14 HĐND TP lần này rất đa dạng và đề cập trực tiếp tới các vấn đề còn bất cập hiện nay của TP. Rõ ràng, bên cạnh việc thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, Hà Nội cần phải cải thiện công tác quản lý đô thị, nhà, đất, các dự án xây dựng… cũng như giải quyết kịp thời những bức xúc dân sinh thường xuyên nảy sinh trong quá trình đô thị hóa đang rất khẩn trương hiện nay.

Theo Hà Nội Mới