Trong cơn bĩ cực của thị trường bất động sản kéo dài gần 2 năm qua, nhiều đại gia bất động sản cũng rơi vào vòng lao lý.
Chuỗi dự án đầy tai tiếng mang tên Megastar
Việc ông Nguyễn Hoàng Long (SN 1971) – Chủ tịch HĐTV công ty CP Tập đoàn Megastar bị Cơ quan CSĐT bắt giam với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Đặc biệt, đối với những khách hàng đã từng góp vốn, hợp tác mua các dự án nhà ở do Megastar làm chủ đầu tư.
Megastar từng nổi danh bởi doanh nghiệp này sở hữu rất nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội trong đó có dự án Hesco Văn Quán và Vĩnh Hưng Dominium (Lĩnh Nam, Hai Bà Trưng), dự án C2 Xuân Đỉnh (Tây Hồ Tây, Hà Nội), tổ hợp chung cư 254 Thụy Khuê, Khu đô thị mới Hữu Hòa, Hà Nội....
Nguyễn Hoàng Long (bên trái) - chủ tịch HĐTV Công ty CP TĐ Megastar bị bắt ngày 17/5/2013
|
Trong số dự án này chỉ có duy nhất dự án chung cư C2 Xuân Đỉnh được triển khai xây dựng xong phần thô. Số dự án còn lại vẫn trong tình trạng đắp chiếu mặc dù chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn của rất nhiều công ty thứ cấp và người mua nhà.
Đã từ lâu rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng hiện đang “sống dở chết dở” với những dự án mang thương hiệu Megastar. Do ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư, từ cuối năm 2011, rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã tập trung thành nhóm để tìm cách đòi lại vốn mình đã góp vào dự án, nhưng gần như rất khó thực hiện. Cho đến thời điểm này, khi ông Nguyễn Hoàng Long bị bắt, số phận của dự án, hàng trăm khách hàng sẽ không biết đi về đâu.
Huy động hơn 800 tỷ đồng, giám đốc đối mặt án chung thân
Năm 2010, thị trường bất động sản đã bị rúng động bởi vụ việc công ty Xây dựng và dịch vụ 1/5 bán khống đất dự án Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội).
Cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 Lê Hòa Bình cùng đồng bọn trước đó đã bán “khống” hàng trăm các lô đất dự án Thanh Hà để bán chiếm đoạt gần 800 tỷ đồng.
Đại gia Lê Hòa Bình (áo trắng) bị bắt giam tháng 8/2010
|
Ngay sau đó 5/2010, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt giam và truy tố ra trước tòa án Hà Nội đối với Lê Hòa Bình (SN 1954), Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965) - cựu Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng, Nguyễn Mạnh Cường (SN 1972) - cựu Tổng giám đốc Công ty 1-5; Đào Duy Phong (SN 1958) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Nguyễn Quốc Duy (SN 1972), trú ở phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Các bị cáo lần lượt bị xem xét về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo điểm a, khoản 4, Điều 139 và tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 281-BLHS.
Dự án nhà ở giãn dân phố cổ
Dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Cụ thể, dự án này được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư vào cuối năm 2009 theo hình thức xã hội hoá.
Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) được giao thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án. Đổi lại, UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà xin được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện nhà ở của cán bộ, nhân viên Công ty Hồng Hà và đồng ý cho phía Công ty Hồng Hà sử dụng để kinh doanh 15% số căn hộ trên tổng dự án mà Công ty bỏ vốn đầu tư.
Cơ quan CSĐT khám xét công ty Hồng Hà (Trường Chính, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
|
Những thông tin “lùm xùm” về tính pháp lý của dự án xuất hiện từ giữa năm 2012, đến tháng 8/2012 sự thật về việc huy động vốn mới vỡ lở. Có hay không hành vi “lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại dự án? Những lãnh đạo liên quan đã bị bắt giữ để điều tra nhưng đến nay số tiền gần 200 tỷ đồng nhà đầu tư góp vốn vào dự án vẫn chưa biết sẽ ra sao, trong khi đó khu đất dự án vẫn chỉ là bãi trống, um tùm cỏ dại.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia