Môi giới mất tăm, doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm, những khách hàng bị lừa chỉ còn biết cầm đơn đi kêu cứu khắp nơi
Đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) nhiều nơi trầm lắng sau một thời gian tăng nóng. Chính quyền siết chặt hoạt động phân lô, bán nền, khiến hàng loạt dự án "ma" đổ bể. Những người trước đây nhẹ dạ nghe lời nhân viên môi giới mua đất nền vùng ven, giá tốt, có sổ..., kết quả tiền mất tật mang.
Mất tiền tỉ vì nghe môi giới
Gửi đơn đến Báo Người Lao Động, nhóm khách hàng gần 60 người đã "tố cáo" hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc Long Phát (số 3 Cửu Long, quận Tân Bình, TP HCM) và Công ty CP Thương mại - Dịch vụ và Đầu tư Thiên Hưng Khang (Công ty Thiên Hưng Khang, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Tổng tiền chiếm đoạt lên tới vài chục tỉ đồng.
Những khách hàng của Công ty Long Phát và Thiên Hưng Khang nhiều tháng nay chỉ biết cầm đơn đi kêu cứu khắp nơi nhằm đòi lại tiền đã đóng
Những người này cho biết vào khoảng tháng 5-2018, họ được nhân viên môi giới của Công ty Long Phát chào mời mua đất nền dự án do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tín An Phát (tên cũ của Thiên Hưng Khang) đầu tư (Long Phát là đơn vị phân phối) tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trước những lời hứa hẹn, lôi kéo của nhân viên môi giới, kèm theo đủ loại giấy tờ, bản vẽ chứng minh pháp lý của dự án, nhiều người đã ký hợp đồng mua đất nền với Công ty Thiên Hưng Khang tại tờ bản đồ số 84, thửa 424, 425, 426, 427, 429... Công ty này hứa hẹn sẽ giao đất, ra sổ vào tháng 12-2018. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người đã thanh toán đến 95% giá trị lô đất nhưng cả chủ đầu tư và đơn vị môi giới đều né tránh trách nhiệm. Có người mua đến 2-3 lô, đã đóng trên 3 tỉ đồng đang chạy vạy khắp nơi để đòi đất, đòi tiền và khiếu nại.
Ông Lê Văn Lừng (ngụ quận 7, TP HCM) kể vợ chồng ông tình cờ được một nhân viên của Công ty Long Phát chào mời mua đất nền ở vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) nhưng chở lên tận Đồng Nai để xem đất. "Tại đây, rất đông nhân viên môi giới chào mời, lôi kéo làm cho vợ tôi không thể từ chối được nên đã đặt cọc 400 triệu đồng trên giá trị nền đất gần 1,2 tỉ đồng. Sau đó, đóng tiếp tổng cộng gần 1 tỉ đồng nhưng đến giờ đất đâu không thấy, tiền đòi hoài không trả" - ông Lừng chia sẻ.
Điều đáng nói là khu đất mà trước đây nhân viên môi giới của Công ty Long Phát rao bán cho khách hàng hiện đã bị chính quyền địa phương cày đường, phá cơ sở hạ tầng mà chủ đầu tư đã làm tạm trước đây.
Vụ việc này có nhiều điểm giống với việc Công ty CP Địa ốc Alibaba (trụ sở TP HCM) vẽ hàng chục dự án, phân lô, làm hạ tầng trên các khu đất nông nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... rồi cho hàng ngàn môi giới, nhân viên kinh doanh của mình rao bán với giá rất rẻ để chiêu dụ khách hàng đầu tư rồi trả lãi cao từng năm hoặc 6 tháng. Một số "dự án" của công ty này ở Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bị chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ hạ tầng, trả lại hiện trạng ban đầu.
Mới đây, chính quyền quận Bình Tân (TP HCM) cảnh báo về 9 dự án trên địa bàn có dấu hiệu phân lô trái phép, không phù hợp quy hoạch, vi phạm các quy định về đất đai, nhà ở, trong đó có khu đất thuộc thửa 162, 167, 168, 185, 541, 542, tờ bản đồ số 39 (SĐN), tờ bản đồ số 3 (TL02), tờ bản đồ số 15 (TL05), tại cuối hẻm 26/19 đường Lâm Hoành, phường An Lạc, do Công ty CP Tư vấn đầu tư Angel Lina (Công ty Angel Lina, số 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM) rao bán theo hình thức góp vốn. Vị trí khu đất thuộc quy hoạch cây xanh. Khi đó, hàng trăm người mới té ngửa vì đã nghe lời dụ dỗ của môi giới bỏ hàng tỉ đồng góp vốn vào dự án "ma". Họ chỉ biết kéo nhau đến trụ sở công ty giăng băng rôn để đòi lại tiền, đồng thời gửi đơn kêu cứu khắp nơi.
Tương tự, một khu đất ở Lò Lu, quận 9 bị Công ty CP Thiết kế xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real (972 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM), giám đốc là ông Trần Minh Phụng tự ý vẽ thành khu dân cư cao cấp Long Phụng 1 rồi cho nhân viên môi giới rao bán khắp nơi, một số khách hàng nghi ngờ nên đã báo chính quyền địa phương xác minh và cảnh báo đến người dân.
Luật quản chưa nghiêm
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, trong một công văn gửi Chính phủ, các bộ, ngành đã chỉ thẳng thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép thời gian qua chủ yếu là giới đầu nậu, môi giới, cò đất và một số ít doanh nghiệp BĐS "bất lương" đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Từ đó, ông Châu đã mạnh dạn đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới BĐS. Yêu cầu nhân viên môi giới phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định của pháp luật thì mới được hoạt động dịch vụ môi giới. Đặc biệt, cần có quy định nhân viên môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về việc làm của mình.
Lãnh đạo một công ty môi giới BĐS ở TP HCM thừa nhận hiện nay không ít doanh nghiệp không có tâm, không chú trọng đào tạo nhân sự, đặc biệt không quan tâm đến dự án, nhất là các doanh nghiệp chỉ làm môi giới các dự án đất nền vùng ven. Họ buông lỏng, để nhân viên, trưởng nhóm tuyển dụng nhân sự làm môi giới một cách dễ dãi. Theo vị này, nếu không quản lý được môi giới sẽ ảnh hưởng rất lớn cho xã hội, mà trước hết là người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết môi giới nhà đất là nghề đòi hỏi người hành nghề phải có nhiều kiến thức tổng hợp từ pháp lý, quy hoạch, xây dựng, marketing, truyền thông, tín dụng... để hỗ trợ cho khách hàng. Nhưng hiện nay, nhiều người không có bằng cấp, trình độ cũng đi làm môi giới BĐS. Bên cạnh đó, một phần lỗ hổng xuất phát từ giáo trình giảng dạy khi cấp chứng chỉ hành nghề, chủ yếu dạy theo kinh nghiệm cũ và có rất ít nơi đầu tư mở lớp đào tạo. Trong khi ở các nước họ lại rất xem trọng vấn đề này. Gần đây, lãnh đạo bộ, ngành có quan tâm chấn chỉnh nghề môi giới BĐS nhưng thực tế chưa có hành động gì cụ thể, thiết thực.
Luật quản lý người hành nghề môi giới dù có nhưng chưa được cơ quan quản lý quan tâm, nếu làm sai thì xử lý như thế nào, ai xử lý, giám sát ra sao... "Hoạt động kinh doanh BĐS là nghề liên quan đến tiền, lợi ích lớn nên đôi khi người hành nghề không giữ được đạo đức nghề nghiệp, bất chấp đúng sai chỉ để bán được hàng mà không nghĩ đến quyền lợi của khách hàng. Chỉ khi nhà nước tăng cường quản lý, giám sát mới mong người làm nghề nhận thức và tôn trọng nghề của mình" - ông Hoàng nhấn mạnh.
Bắt buộc phải có giấy phép
Tại Mỹ, bất kỳ ai muốn hoạt động môi giới BĐS hợp pháp đều phải có chứng chỉ. Mỗi bang sẽ có những điều luật và quy định khác nhau trong việc cấp chứng chỉ. Các nhà môi giới và nhân viên bán BĐS phải được chính quyền mỗi bang cấp phép. Thông thường muốn có chứng chỉ thì phải tham gia các khóa học chuyên môn và khóa học luật pháp liên quan đến giao dịch tại các công ty BĐS. Sau khi hoàn thành khóa học, họ phải tham dự và vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ của bang. Và chứng chỉ này chỉ có giá trị hoạt động tại bang cấp.
Có bang thậm chí còn quy định về việc cập nhật kiến thức luật, kinh nghiệm và những yếu tố thay đổi của bang đó hằng năm. Bất kỳ ai làm môi giới BĐS mà không có giấy phép tại Mỹ bị xem là phạm pháp và Ủy ban BĐS quốc gia Mỹ có quyền xử phạt những đối tượng này.
Tương tự tại Úc, mỗi bang cũng có quy định khác nhau về việc cấp phép cho nhà môi giới BĐS. Tuy nhiên, các yêu cầu cơ bản để làm môi giới BĐS tại Úc như phải có được chứng chỉ của chính quyền bang và kinh nghiệm làm việc dưới sự giám sát của một công ty BĐS được cấp phép. Trong khi đó, để trở thành một nhà môi giới BĐS tại Canada không phải là điều dễ dàng. Bất kỳ ứng viên nào cũng phải đáp ứng điều kiện học vấn bắt buộc, trải qua quá trình đào tạo tốn kém lên đến hơn 6.000 USD và thời gian hoàn tất quá trình cấp phép môi giới BĐS thường kéo dài 3-4, 5 năm.
X.Mai
DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động