Trong Top 10 thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập), các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc chiếm quy mô lớn nhất, thực hiện nhiều vụ M&A nhất.
Theo báo cáo M&A thị trường Việt Nam năm 2018 – 2019 do Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) thực hiện, trong Top 10 thương vụ M&A có quy mô lớn nhất thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đóng vai trò chủ đạo, áp đảo.
Tiếp đó, Hồng Kông là "tân binh" gây đột biến, dẫn đầu danh sách vốn đầu tư vào Việt Nam, với 5,3 tỷ USD. Singapore vẫn tiếp tục duy trì vị trí Top 3 trên đường đua, với tổng giá trị M&A năm 2018 – 2019 đạt mức 1,6 tỷ USD.
Nhà đầu tư Hàn Quốc đổ tiền vào Việt Nam nhiều nhất
Cùng với Singapore, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng có sự tăng tốc mạnh mẽ. Nếu như trước đây, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm và thực hiện nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng, thì năm 2018 – 2019, họ chuyển sang bất động sản.
Các thương vụ đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn Sumitomo cùng với Tập đoàn BRG của Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD.
Tập đoàn Phát Đạt đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd (công ty con trực thuộc Samty Corporation) và một công ty phát triển bất động sản của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP.
Tập đoàn Aeon đang đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị với tổng vốn hơn 1 tỷ USD; Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long phát triển Dự án Akari City với tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng…
Các quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo liên tục thực hiện các thương vụ M&A với các doanh nghiệp bất động sản Việt.
Ngay trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản có 3 thương vụ lớn M&A, trong đó có 2 giao dịch được thực hiện bởi tập đoàn nước ngoài là Lotte E&C, Keppel Land.
Keppel Land đã chi tiền mua 60% cổ phần 3 lô đất rộng 6,2 ha ở huyện Nhà Bè, TP.HCM từ công ty Địa ốc Phú Long. Lotte E&C, thành viên của Tập đoàn Lotte, cũng ký hợp đồng hợp tác đầu tư cùng công ty Hưng Lộc Phát cho một dự án ở quận 7, TP. HCM.
Theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến được ưa thích cho dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á.
Nguyên nhân phần lớn nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư của chính phủ, sự ổn định về mặt chính trị và nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chủ động cải thiện vấn đề minh bạch trong thị trường bất động sản.
Ông Quang kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc tài sản, bao gồm công nghiệp và các lĩnh vực lựa chọn thay thế như giáo dục.
"Thị trường công nghiệp sẽ là ngành nóng nhất trong năm 2019, được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA", ông Quang nói.
Tuy nhiên, các thương vụ M&A cũng đang gặp không ít khó khăn, đó là quyết định dừng xét duyệt các dự án mới của TP. HCM để kiểm tra, rà soát lại, khiến nhiều dự án bất động sản mất cơ hội đầu tư.
Thêm nữa, chính sách của Ngân hàng Nhà nước siết chặt vốn cho thị trường bất động sản, dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cũng tác động đến các thương vụ M&A của nhà đầu tư trong nước.
Một vấn đề đáng chú ý nữa là việc bán vốn của các doanh nghiệp nhà nước, định giá đất như thế nào để các doanh nghiệp tránh thua thiệt và nâng cao tính minh bạch trong vấn đề cổ phần hoá.
Với nhiều khó khăn như trên, đại diện JLL Việt Nam vẫn hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ cho thị trường bất động sản Việt Nam, mặc dù hiện nay quá trình phê duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới trong năm 2019.
Do đó, việc tìm nguồn cung "sạch" và minh bạch sẵn sàng để đầu tư sẽ là một thách thức cho các nhà phát triển bất động sản và đầu tư trong năm tới. Tuy nhiên, đại diện JLL tin rằng việc cải cách quy định sẽ giúp cải thiện tính minh bạch, khiến thị trường bất động sản Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC