Thủ thuật thông dụng nhất của chủ đầu tư và cò nhà đất là đăng ký mua trong nội bộ phần lớn số căn hộ, chủ yếu chọn những vị trí đẹp tạo sự khan hiếm, rồi bốc thơm về "sự cao cấp" của dự án để bán ăn chênh lệch.
Những người có vị trí trong đơn vị chủ đầu tư dự án thì dùng tên người nhà, người quen để xí chỗ, sau đó bơm giá lên.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thời gian qua, nhiều dự án đô thị chưa kịp khởi công, thậm chí chưa GPMB xong giá mỗi m2 nhà, đất đã leo cao ngất ngưởng. Nhiều dự án khu đô thị mới vẫn còn trên giấy, nhưng các suất nhà đất đã được đặt mua hết veo.
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, có nguyên nhân quan trọng do những "chiêu" làm giá gây "sốt" ảo của các nhà đầu cơ và cả chủ các dự án.
Chóng mặt với giá nhà đất
Cả tháng nay lang thang khắp các khu đô thị từ Mỹ Đình II, Mỹ Đình I, đến Dịch Vọng, Nam Trung Yên, rồi Yên Hoà, Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ… anh bạn tôi công tác tại một tờ báo điện tử, vẫn chưa thể tìm cho mình một căn hộ vừa với túi tiền.
Tiếc hùi hụi vì hồi giữa năm, được các cụ thân sinh chuyển giao cuốn sổ tiết kiệm gần tỉ bạc, dư mua một căn hộ chung cư hạng khá diện tích non trăm m2, nhưng vợ chồng anh chưa vội mua vì tiền gửi ngân hàng chưa đáo hạn mà rút sớm mất lãi thì phí. Đến giờ đủ điều kiện rút tiền ra khỏi ngân hàng thì ôi thôi, phần lãi tiết kiệm không bù nổi số lẻ của chỉ số tăng giá nhà đất, đặc biệt là nhà chung cư.
Nhiều căn hộ chung cư ở khu đô thị Mỹ Đình II giá hồi giữa năm chỉ khoảng 800 - 900 triệu đồng/căn khoảng 100m2, nhưng nay nhiều người nghiến răng trả giá tỉ rưỡi, tỉ sáu mà chủ hộ cứ lắc đầu nguầy nguậy. Những căn hộ chung cư khu vực trung tâm hơn như Trung Hòa - Nhân Chính, M3 - M4 Nguyễn Chí Thanh thì lên tới 20 - 30 triệu đồng/m2, hầu hết có giá khoảng 3-4 tỉ/căn.
Theo các chuyên gia Cục quản lý nhà Bộ Xây dựng thì tất yếu giá nhà đất phải tăng theo đà tăng giá chung, thêm nữa là tác động tăng của giá nguyên vật liệu… Nhưng nếu tăng thêm trong phạm vi 10% hay 20% thì còn chấp nhận được, đằng này giá nhà đất nơi nào tăng ít cũng thêm tới cả 50%, 60%.
Cho rằng, giá nhà đất hiện đang tăng quá ảo, nhiều người không mua, chờ giá giảm khiến giao dịch BĐS phần nào chững lại. Nhưng gần 2 tháng qua giá vẫn không hề giảm và theo các chuyên gia địa ốc thì đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thị trường BĐS tiếp tục sốt trong thời gian tới.
Những thủ thuật tạo "sốt" tinh vi
Khoảng 3 - 4 tháng trở lại đây, cơn sốt giá nhà đất ở Hà Nội trở lại và đã lan khắp từ nội thành ra ngoại thành, thậm chí ra cả địa bàn lân cận. Có thể điểm những khu đô thị lân cận nhưng đang rất "hot" như: Làng Việt Kiều, Xa La, Bắc Hà… trên địa bàn TP Hà Đông (Hà Tây).
Chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng, thậm chí chưa làm hạ tầng nhưng người mua đã ùn ùn kéo tới xin xí chỗ, tất nhiên những người "nhạy bén" này lại thường không có nhu cầu mua để ở. Việc "cầu" lớn hơn "cung" dù là "cầu" ảo tạo sự khan hiếm nguồn "cung" đã khiến giá nhà đất bị đội lên liên tục.
Lăn lộn hơn tuần lễ tại các trung tâm môi giới địa ốc, phóng viên đã nhận diện được nhiều "chiêu" gây sốt BĐS của chủ đầu tư và cò nhà đất.
Thủ thuật thông dụng nhất là đăng ký mua trong nội bộ phần lớn số căn hộ, chủ yếu chọn những vị trí đẹp tạo sự khan hiếm, rồi bốc thơm về "sự cao cấp" của dự án để bán ăn chênh lệch. Những người có vị trí trong đơn vị chủ đầu tư dự án thì dùng tên người nhà, người quen để xí chỗ, sau đó bơm giá lên để bán ăn chênh lệch.
Những cung đường lòng vòng này rất kín đáo, bởi bên mua, bên bán chỉ thông qua hợp đồng viết tay, còn việc chuyển tên hợp đồng gốc thường phải rất lâu sau khi giao nhà mới tiến hành.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp chủ đầu tư thỏa thuận với các đại lý môi giới nhà đất khác nhau, tạm phân cho mỗi "đại lý" một số căn hộ để họ dẫn khách làm giá ăn chênh lệch.
Một "chiêu" khác nữa là cá nhân những người có vị trí trong đơn vị chủ đầu tư, do nắm được thông tin thực tế căn hộ nào đã mua bằng thủ tục góp vốn ban đầu, những căn hộ nào ở tầng nào chưa có người mua, gặp người có nhu cầu, họ thông tin rằng tất cả suất nhà đều đã được dành bán cho người góp vốn theo diện ưu đãi và tất nhiên muốn mua lại suất ưu đãi thì phải chi phí chênh lệch…
Cứ thế với điệp khúc "hết rồi, phải mua lại", chủ đầu tư, nhà đầu cơ và các văn phòng môi giới nhà đất tung hứng nhau tạo nên sự khan hiếm về nguồn "cung" để dễ dàng nâng giá.
Giải pháp nào để "hạ nhiệt"?
Khẳng định cơn sốt giá nhà đất thời gian qua có một phần là giá ảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng ngoài nguyên nhân do các dự án được triển khai chậm khiến nguồn "cung" còn hạn chế, giá vật liệu xây dựng biến động mạnh thì còn có nguyên nhân quan trọng khác là tình trạng đầu cơ, gom hàng, kích cầu ảo, đẩy giá vượt lên quá cao so với thực tế.
Điều không bình thường là người có nhu cầu mua nhà để ở thường không biết mua ở đâu do chủ đầu tư không công khai giá và nơi giao dịch, trong khi đó nhiều trung tâm môi giới nhà đất lại biết rất rõ, tìm mọi cách móc nối với chủ đầu tư để đầu cơ, trục lợi... "Cung" không kịp đáp ứng "cầu" nên tất yếu đẩy giá nhà lên cao, mà chủ đầu tư và các nhà đầu cơ BĐS lại luôn muốn thu tối đa lợi nhuận.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc xảy ra những "cơn sốt" cục bộ trong thị trường BĐS ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua khiến cơ quan quản lý có cái nhìn khách quan hơn về sự biến động tự nhiên của thị trường này.
Hiện các chuyên gia của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên - Môi trường đang tính toán xây dựng các quy định cụ thể hơn để giải quyết phần nào vấn đề này.
Các biện pháp sẽ được đưa ra để góp phần "hạ nhiệt" cơn sốt giá nhà đất hiện nay ở các khu đô thị mới là cần phải công khai việc bán nhà, không qua đại lý; nếu qua đại lý thì xác định giá dịch vụ môi giới và nhất thiết thu thuế môi giới thông qua hóa đơn thu tiền tài chính. Cùng đó đánh thuế thu nhập cao đối với người mua nhà để bán hoặc thu thuế thu nhập cao đối với người có nhà ở đem cho thuê…
Theo Công An Nhân Dân