Top

Nhà thuê cho người lao động: "Vẫn đợi ngày về"

Cập nhật 09/05/2014 14:43

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cam kết, những chủ nhà trọ cung cấp dịch vụ đạt chuẩn sẽ được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Nhưng, từ chính sách tới cuộc sống, luôn có "độ trễ"…

Nhu cầu bức thiết về chỗ ở, lưu trú của hàng triệu dân lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và người lao động tại các đô thị phát triển ở những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Long… vẫn chỉ được đáp ứng theo dạng "có cầu ắt có cung".

Thiếu trước, hụt sau

Tại phía Bắc, Quảng Ninh là một đầu tầu về công nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản cũng như du lịch. Kèm theo lợi thế cảng biển. Quảng Ninh có dân số ngót 1,2 triệu người (tính đến năm 2012) sinh sống ở 4 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện trực thuộc. Đặc biệt, nắm giữ 90% trữ lượng than cả nước, mỏ "vàng đen" này "thánh địa" của Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) hơn 10 năm qua.

Cuối năm 2013, công nhân, lao động của Vinacomin tại Quảng Ninh lên tới 108.700 người (chiếm 21,4% dân số tỉnh). Đáng chú ý, có 32,5% số công nhân, lao động phải thuê nhà dân tương đương hơn 6.200 người có nhu cầu thực về nhà ở. Cảnh sống tạm bợ của hàng nghìn công nhân nơi đây đang phụ thuộc vào kiến nghị của ngành than với Chính phủ: xin phép được trích 1USD/tấn than bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở công nhân.

Cũng như vậy, trở lại với địa bàn Thủ đô, Đông Anh, Gia Lâm, Như Quỳnh, Sài Đồng, Thường Tín… là những khu vực tập trung các KCN, KCX đông công nhân nhất hiện tại (trong tổng số 38 KCN). Năm 2011-2012, KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thuộc hạng "đáng mơ ước" của hàng trăm nghìn người lao động ngoại tỉnh kiếm tìm sinh kế ở Thủ đô. Nhà trọ của người dân tự xây dựng ở các xã như Kim Chung, Đại Mạch vì thế cũng ken kín sắc áo công nhân tìm về thuê. Cuối 2012, những căn phòng chưa tới 10m2 ở thôn Bầu luôn có khách xếp hàng thuê với giá ngót 1 triệu đồng/tháng. Đương nhiên, với số lượng "có hạn", người thuê buộc phải chấp nhận những rủi ro về an ninh, giá cả, bất tiện đi kèm tại các khu trọ dân sinh tự phát kiểu này.

Nhà trọ – mái ấm tạm thời cho CNLĐ vẫn đợi ngày về

Dù sao, những công nhân, lao động ở Hà Nội vẫn còn "sướng", khi ở miền Trung, hàng vạn "đồng nghiệp" đang sống chung cùng tệ nạn xã hội sau mỗi ngày lao động cực nhọc. 4-5 người sinh hoạt trong căn nhà chưa tới 10m2, thường xuyên bị côn đồ quấy phá, là điển hình rõ nhất được báo giới phản ánh về thực trạng tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) vừa qua.

Ai cần được vay ưu đãi?

Tình trạng người lao động chật vật vì nơi lưu trú còn được biết tới ở Cần Thơ. Theo số liệu chưa đầy đủ, Tp. Cần Thơ có khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KCX, với hơn 35.000 người. Khoảng 40% công nhân có nhu cầu bức thiết về nhà ở đã phải thuê nhà trọ xung quanh để cư trú. Thiếu an ninh trật tự, lộn xộn, tiện nghi không có, những phòng trọ "dã chiến" vẫn đắt khách với giá 400-700.000 đồng/tháng (tùy diện tích).

Khảo sát một số mô hình nhà ở do người dân và doanh nghiệp tự xây cho người lao động thu nhập thấp thuê tại Tp.HCM, ngày 7/5/2014, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cam kết, những chủ nhà trọ cung cấp dịch vụ đạt chuẩn sẽ được vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Chia sẻ về tình trạng "đói vốn" của một vài trường hợp điển hình về cung cấp nhà trọ chất lượng (giá cả, điều kiện ăn ở, chất lượng… đảm bảo), Bộ trưởng khẳng định: "Nhà nước sẽ hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi 5%/năm; đồng thời giảm thuế thu nhập nếu người dân đảm bảo các điều kiện về pháp lý, quy hoạch, chất lượng, an toàn, tạo được không gian hòa thuận, có nền nếp, có văn hóa trong khu trọ của mình. Không chỉ có Nhà nước làm nhà ở xã hội mà doanh nghiệp và người dân cũng làm nhà xã hội…".

80-90% nhà ở cho người lao động thuê đều do người dân tự xây dựng. Nếu làm một cuộc tổng rà soát về lượng nhà ở cho thuê do người dân tự xây dựng và kinh doanh, tỷ lệ các hộ gia đình, cá nhân tạo lập nhà cho thuê cần vốn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ lên tới 100%.

Xét riêng ở Hà Nội, việc nhà trọ tự phát kiểu "trăm hoa đua nở" ở Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn đã diễn ra từ trước năm 2010. Xây dựng nhà ở theo dãy, cao tầng đòi hỏi tài chính khá lớn, nên giải pháp đưa ra cho chủ nhà, chủ công trình lựa chọn là vay ngân hàng (dù lãi suất cao). Là những người nông dân quanh năm với ruộng đồng, vườn tược ao cá, họ sẵn sàng vay tiền để xây nhà trọ vì phương án kinh doanh hoàn toàn hiệu quả. Chẳng gì, đến năm 2013, khi nền kinh tế gặp khó khăn, mới xuất hiện những khu trọ trong làng xã đìu hiu (vì KCN cắt giảm lao động). Còn trước đó, xây 1 dãy nhà trọ 30 phòng, mỗi phòng chưa tới 10m2, tiền thuê tạm tính 600.000 đồng/tháng, ngót 2 năm là họ đã có lãi sau khi trả tiền cho nhà băng.

Còn nay, cam kết sẽ cho người dân tham gia xây nhà xã hội (nhà cho thuê) được vay với lãi suất 5%/năm của Bộ Xây dựng phải chăng là... không cần thiết? Chưa nói tới sự cồng kềnh của bộ quy chuẩn đi kèm, những cá nhân, hộ gia đình – chủ đầu tư nhà trọ cho công nhân chỉ cần công nhân, người lao động trở lại làm việc ở các KCN. Trong khi đó, chưa có quy định cụ thể bắt buộc nhà đầu tư cơ sở hạ tầng KCN phải đầu tư đồng thời dự án khu dân cư. Mặt khác cũng chưa phân công rõ ràng trách nhiệm cho cơ quan hoặc đơn vị nào xây dựng.
"Áo rách nhưng lại vá quần". Nhà trọ – mái ấm tạm thời cho công nhân, người lao động vẫn đợi ngày về là vì thế.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh