Đại biểu Quốc hội cho rằng, nhà ở xã hội với các chính sách ưu đãi chỉ nên xây để cho những đối tượng không có khả năng mua nhà thuê để ở. Còn lại, tất cả những nhà ở có thể mua bán đều là nhà thương mại và để cho thị trường quyết định chứ nhà nước không nên can thiệp....
Muốn cho người làm không đủ ăn sở hữu nhà là không đúng
Những năm gần đây, nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nhà ở, trong đó nhiều nguồn lực đã được huy động, từ việc tạo những điều kiện thuận lợi về đất đai, ưu đãi cho doanh nghiệp cho tới những khoản tiền không nhỏ (gói 30 nghìn tỷ)…
Tuy nhiên, có một thực tế là còn rất nhiều người lo miếng ăn còn khó khăn thì việc mua một căn nhà, dù là nhà ở xã hội có giá rẻ với chất lượng, điều kiện hạ tầng kém cũng vấn là điều không tưởng với nhiều người. Trong khi đó, lợi dụng chính sách nhà ở xã hội, nhiều người đã mua đi bán lại trục lợi, khiến cho mục đích của việc xây nhà ở xã hội bị lệch lạc. Nhiều người không thực sự có nhu cầu mua nhà ở xã hội vẫn mua, còn những người thực sự không có nhà ở thì lại không thể chạm tới.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), sau 8 năm tập trung phát triển nhà ở xã hội, thị trường nhà ở đã phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu, nhà thương mại gọi là nhà cao cấp thì phát triển ồ ạt, còn nhà phổ thông phù hợp với sức mua của dân thì không có.
“Chúng ta thống nhất quan điểm cái gì của thị trường để thị trường làm, nhà nước tập trung phát triển nhà ở ở phần của nhà nước. Quan điểm là nhà nước làm sao để mọi người dân có chỗ ở chứ nhà nước không khuyến khích, không tác động để mọi người được sở hữu chỗ ở, nhà ở. Nếu chúng ta đặt quan điểm như vậy thì chúng ta phát triển nhà ở xã hội theo hướng khác, không có kiểu như hiện nay. Gói 30 ngàn tỷ đồng đã chọn đối tượng không đúng. Chúng ta muốn những người làm không đủ ăn vẫn sở hữu nhà ở là quan điểm không đúng. Chúng ta phải thay quan điểm để phát triển... Tôi đề nghị tập trung chính sách để phát triển nhà cho thuê đối với tất cả đối tượng mà không ưu tiên vấn đề bán ở đây, bán là theo thị trường.” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội) đặt vấn đề: “Hiến pháp đã quy định là mọi người đều có quyền có nơi ở hợp pháp , nhưng luật cần làm rõ quyền có nơi ở là như thế nào? người dân làm thế nào để quyền này được đến với họ hay cơ chế ra sao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho các chủ thể này?
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, nhà nước nên tập trung ưu tiên chính sách phát triển nhà cho thuê, vì hiện còn rất nhiều người, nhất là người nghèo ở thành thị, công nhân lao động ở các khu công nghiệp, nhất là các đôi vợ chồng trẻ mới đi làm… “Về chính sách của nhà nước, tôi thấy cần phải ưu tiên số 1 là làm nhà để cho thuê, cho những đối tượng nghèo được thuê vì họ làm gì có tiền để mua?
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nói: “Qua nghiên cứu 10 đối tượng quy định tại Điều 50 của dự thảo Luật Nhà ở, tôi thấy đại đa số những đối tượng này ước muốn có căn nhà để ở chứ không thể nào mua căn nhà mơ ước của mình. Nếu mua họ phải vay ngân hàng, khi vay ngân hàng phải thỏa mãn các điều kiện của quy chế quy định trong nguyên tắc tín dụng, do đó đối tượng này không thể thỏa mãn các điều kiện này.”
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị chính sách tín dụng cần tập trung vào duy nhất là thị trường nhà ở cho thuê, không có khái niệm mua, bán, thuê mua trong diện chính sách về nhà ở xã hội vì khi đã có mua, bán tức là thương mại.
Cần tập trung xây nhà ở xã hội
|
Nhà ở xã hội phải... lôm côm?
“Đột phá của Luật Nhà ở là xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhưng khi đưa luật vào thành phố Hồ Chí Minh thì quy định: nhà ở xã hội 6 tầng, không có thang máy và bằng vốn nhà nước, không tính tiền đất. Một nhà đầu tư bảo rằng, nhà nước muốn 6 tầng, tôi xây 15 tầng, tặng không cho nhà nước 6 tầng để làm nhà ở xã hội, tôi làm thang máy cho người ta đi, nhưng như vậy lại không phải là nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội phải là nhà hơi lôm côm một chút, còn nhà thương mại thì mới đàng hoàng. Cách đặt vấn đề như vậy là sai". – đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh).