Top

Nhà chung cư tái định cư: Rõ trách nhiệm mới dễ quản lý

Cập nhật 20/11/2014 08:54

Chung cư tái định cư (TĐC) luôn bị phàn nàn bởi chất lượng kém, dịch vụ quản lý, vận hành không bảo đảm. Các đơn vị đang quản lý kêu thiếu kinh phí sửa chữa, bảo trì, còn người dân luôn than thở "khổ như chung cư TĐC".

Để bảo đảm tiến độ các dự án trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều khu nhà TĐC phải bố trí các hộ dân vào ở khi chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Điều này gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến chất lượng quản lý, vận hành chung cư TĐC. Ngược lại, có những dự án GPMB chậm, nên nhà TĐC đã hoàn thành lại không đưa vào sử dụng ngay dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, vừa lãng phí, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, chất lượng nhà TĐC thua xa nhà thương mại vì yêu cầu phải có giá bán rẻ.

Khu nhà ở tái định cư tại Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Anh

Vì vậy, không chỉ thiếu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, nhà TĐC thường xuống cấp nhanh chóng, gạch bong, tường tróc, nền sụt lún, ống nước vỡ… Nhà cao tầng nhưng thang máy hỏng, máy bơm hỏng, đơn vị vận hành không sửa chữa kịp thời. Câu chuyện sở hữu tầng 1 cũng nảy sinh tranh chấp giữa người dân và đơn vị quản lý. Người dân cho rằng diện tích tầng 1 của chung; còn doanh nghiệp cho rằng không phân bổ vào giá bán nên thuộc sở hữu nhà nước. Đã vậy, việc cho thuê rất lộn xộn, thiếu minh bạch, công khai khiến người dân nghi ngờ, thắc mắc, không biết số tiền thu được là bao nhiêu? Vào túi ai? Người dân có được hưởng như yêu cầu của thành phố là dành số tiền này bổ sung chi phí dịch vụ.

Không chỉ người dân đang ở nhà TĐC phàn nàn mà ngay đơn vị chịu trách nhiệm vận hành cũng thường xuyên kêu ca thiếu kinh phí sửa chữa, bảo trì. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, trong số 155 tòa chung cư TĐC, có 44 tòa xây dựng từ trước khi có Luật Nhà ở nên không thu kinh phí bảo trì 2% trong giá bán. Khi sửa chữa, bảo trì, phải lấy ý kiến và thu đóng góp của người dân nhưng không mấy khi được đồng thuận nên duy tu, sửa chữa luôn gặp khó khăn. Nhưng kể cả tòa nhà có thu 2% phí bảo trì thì số tiền thu được không nhiều do giá bán nhà TĐC rẻ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội - ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết, phí dịch vụ đối với nhà TĐC rất thấp, khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng, trong khi tiền thu từ cho thuê tầng 1 nộp vào ngân sách muốn chi sửa chữa, hỗ trợ vận hành phải qua nhiều thủ tục. Thiếu kinh phí nên nhiều khi vận hành dịch vụ chưa đến nơi đến chốn; một nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc từ bảo vệ, trông giữ xe, đến vận hành thang máy, sửa chữa điện - nước. Chỉ tính các hạng mục hư hỏng thuộc diện dân sinh bức xúc đã được sửa chữa với số tiền khoảng 16,5 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội vẫn chưa được thanh toán.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Handico Nguyễn Tử Quang - đơn vị đang vận hành 18 tòa chung cư tại khu TĐC Nam Trung Yên chia sẻ, trung bình mỗi tháng Tổng Công ty ứng khoảng 600 triệu cho vận hành dịch vụ 18 tòa chung cư, nhưng cũng chỉ ở mức tối thiểu và số tiền này vẫn chưa biết hạch toán ra sao. Nếu tính đủ chi phí, số tiền dịch vụ phải thu khoảng 5.000 đồng/m2/tháng.

Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND thành phố giải quyết vấn đề bức xúc của người dân tại các khu TĐC, Sở Xây dựng kiến nghị cho phép đơn vị quản lý - vận hành nhà TĐC được chủ động kinh doanh diện tích tầng 1, lấy kinh phí bổ sung chi phí dịch vụ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng không đồng tình và cho rằng cần phải tách bạch giữa quản lý nhà TĐC và vận hành nhà TĐC. Ông Hùng yêu cầu Sở Xây dựng chọn một ban quản lý dự án để quản lý các nhà chung cư TĐC. Còn Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty Handico chỉ làm nhiệm vụ vận hành; tiến tới thực hiện dịch vụ nhà chung cư TĐC theo hình thức thành phố đặt hàng hoặc đấu thầu. Đơn vị nào thấy khó khăn không thực hiện được, thành phố chọn đơn vị khác thay thế, kể cả doanh nghiệp tư nhân nếu làm tốt.

Lãnh đạo thành phố cũng khẳng định, nguồn thu từ cho thuê tầng 1 các tòa nhà do Nhà nước quản lý và bổ sung cho chi phí dịch vụ của tòa nhà. Để bảo đảm minh bạch, công khai, Sở Tài chính trình cơ chế quản lý tài sản nhà nước, phương án giá dịch vụ, phương án lấy nguồn thu từ tầng 1 bổ sung chi phí dịch vụ. Sở Xây dựng báo cáo rà soát tổng thể quỹ nhà TĐC, phân loại, lập quy trình vận hành từng tòa nhà, từng khu nhà phù hợp với nguồn gốc hình thành. Trước mắt, từ nay đến trước Tết Nguyên đán ứng tiền sửa chữa hư hỏng. Quy chế phải phân định rõ cái gì là trách nhiệm của Nhà nước, cái gì là trách nhiệm của người dân. Trước tiên, Nhà nước làm tốt trách nhiệm của mình. Vận hành tốt, quản lý minh bạch, công khai, người dân sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của mình - ông Hùng nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới