Quy hoạch “treo” đã trói cuộc sống người dân ở đây trong cảnh tạm bợ và đói nghèo. Tình trạng này liệu có thay đổi sau khi Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM đã giám sát từ cuối tháng 8 và sẽ có phiên điều trần ngày 30-10?.
Quy hoạch không khả thi trong ba năm thì xem xét điều chỉnh, dự án “treo” quá một năm thì phải thu hồi. Quy định là vậy nhưng trên thực tế ở TP.HCM không ít dự án “treo” cả chục năm.
Một căn nhà tạm bợ ở tổ 31, khu phố 3, P.11, Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.Cường |
Theo kế hoạch, ngày 30-10 Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM sẽ tổ chức phiên điều trần về quy hoạch, sau đợt giám sát kéo dài từ cuối tháng 8-2009 đến nay. |
Con đường vào khu phố 8, P.15, Q.Gò Vấp những ngày cuối tháng 9 mênh mông nước. Những ổ voi sâu hoắm. Những chiếc xe tải ì ạch lắc lư, hết nghiêng bên này rồi đổ bên kia. Còn xe máy chạy qua đây cứ nhảy cà giật. Thỉnh thoảng có xe sụp xuống hố lút nửa bánh, tiếng ga rú liên hồi, nước văng tung tóe, tiếng máy phành phạch rồi tắt ngúm. Dường như cái khổ do “bị treo” từ năm 1995 đến nay khiến người dân tỏ ra thờ ơ khi nhắc đến chuyện quy hoạch của khu vực này. “Nói hoài mà vẫn cứ treo thì nói nữa cũng được gì đâu”, một hộ sống lâu năm tại đây nói.
Đi sâu vào những ngóc ngách KP.8, những mái nhà lúp xúp được lợp, quây tạm bợ bằng tôn, lá. Nhiều nhà xây được xem là khá tươm tất cũng mắc cái khổ ngập nước. “Nâng nền hoài mà có chống ngập được đâu. Bực quá không thèm nâng nữa, đành sống chung với nó vậy”, ông Trần Công Sơn, tổ trưởng tổ 61, vừa xối nước dọn nhà vừa ca cẩm. Chúng tôi đến nhà ông Sơn sau cơn mưa tối hôm trước. Cơn mưa theo ông Sơn chỉ “nhỏ xíu” mà nhà đã lênh láng nước đen ngòm. Theo người dân nơi đây, con đường này “chuyển mình” theo thời tiết: mưa ngập lầy lội, nắng bụi mù trời. Một người còn ví đoạn đường khoảng 600m này “đã trở thành dòng sông từ lâu rồi”.
Có đất nhưng ở chật
Bị “treo” nên không có hệ thống thoát nước, họp khu phố, dân kiến nghị làm đường hoài nhưng chính quyền bảo vướng “treo” nên dân cũng chưa góp tiền làm đường. Bao năm qua, hàng trăm người dân nơi đây còn sống chung với dòng nước giếng đục ngầu, ô nhiễm. Để minh chứng, ông Sơn bật công tắc điện, dòng nước đục ngầu phun ra ào ạt. Ông nói vừa qua phường có mời một đơn vị đánh giá chất lượng nguồn nước. Kết quả thông báo mẫu nước không đạt chuẩn, nhiễm phèn nặng. Nước ô nhiễm, người dân nơi đây phải mua nước đóng bình nấu ăn, uống. Một số người khó khăn hơn thì dùng dụng cụ lọc nước. “Nước tắm còn ngứa nói chi ăn uống. Biết vậy nhưng đó là lựa chọn duy nhất của chúng tôi” - một người dân than.
“Nhiều lúc kẹt tiền muốn cầm cố nhà cũng chịu. Còn bán thì giá rẻ như bèo không ai dám mua”, anh Phạm Phương Vũ nói. Một số hộ có đất ông bà để lại rộng mà cất cái nhà cho con cũng không được. Nhiều nhà có hai ba người con lập gia đình nhưng vẫn chen chúc ở chung. Anh Nguyễn Trần Giang Châu, tổ 61, cho biết nhà anh mới bị cưỡng chế tháo dỡ. Anh kể do làm ăn khó khăn, chị anh trở về ở chung với gia đình. Anh chỉ làm một căn nhà tạm bợ cho chị, khi triển khai dự án sẽ tự tháo dỡ nhưng phường không cho. “Đất nhà mình có mà chị mình phải đi thuê trọ”, anh Châu buồn bã.
Theo tìm hiểu, từ năm 1995 KP.8 được quy hoạch 43ha để làm khu phức hợp (nhà ở, trung tâm thương mại...) và điều chỉnh năm 1998 nhưng cũng tiếp tục “treo” cho đến nay. Ông Nguyễn Hồng, phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết hiện nay đã có bốn nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo, xây dựng dự án này. UBND quận sẽ nhanh chóng lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện nhanh khu quy hoạch này.
Ở P.16, Q.Gò Vấp, theo quy hoạch từ năm 2005 trở về trước có gần 20 dự án (công trình công cộng, công viên cây xanh...), còn trên bản đồ có thể thấy khu vực này loang lổ như da beo. Nhưng theo Phòng tài nguyên - môi trường quận, năm 2005 quận lấy ý kiến người dân để điều chỉnh quy hoạch khu vực và quận đã trình cơ quan chức năng thẩm định nhưng đến nay chưa trả lời. Hiện tại nhiều người dân ở đây chưa biết khu vực này còn “treo” hay đã xóa “treo” để xây nhà.
Những hộ dân sống trong khu vực quy hoạch “treo” thuộc khu phố 2, P.3, Q.11, TP.HCM (ảnh chụp chiều 26-10) - Ảnh: Minh Đức |
Ngân hàng cũng “chê”
Từ đường Trần Văn Đang rẽ theo con hẻm không số cặp tường bao quanh ga Sài Gòn, phía bên phải là tổ 31, khu phố 3 (P.11, Q.3). Theo thông tin từ Phòng Quản lý đô thị quận 3, đây là khu vực quy hoạch đường bao quanh ga Sài Gòn có lộ giới 20m được Thủ tướng duyệt từ năm 1995. Từ đó đến nay quận 3 nhiều lần đề xuất TP kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bỏ quy hoạch đường này để chỉnh trang khu dân cư và thêm quỹ đất xây dựng công trình công cộng cho quận nhưng chưa được TP đồng ý.
Bà tổ trưởng tổ 31 Bùi Mai Liễu cho hay bây giờ Nhà nước đã cho xây nhà tạm rồi, chứ trước kia chỉ được sửa chữa chống dột, chống mối. Còn chuyện mua bán, thế chấp nhà thì còn lâu mới được. Chính bà Liễu đã cầm giấy chủ quyền nhà đất đi gõ cửa năm ngân hàng để xin thế chấp vay tiền đều bị lắc đầu. “Ít nhất tôi biết có đến năm nhà trong xóm này phải thế giấy hồng vay nóng ở ngoài và có nguy cơ mất nhà”, bà Liễu nói.
Theo bà Liễu chỉ, chúng tôi tìm đến một căn nhà rộng chừng 25m2 có tất cả bảy nhân khẩu đang cư trú. Năm 2004, bà chủ nhà này thế chấp giấy chủ quyền nhà đất vay nóng 50 triệu đồng làm vốn buôn bán với lãi suất 10%/ tháng. Cứ tháng nào không đóng tiền lãi thì số tiền đó được cộng gộp thành nợ gốc. Nhà đông người, cộng với đau bệnh nên đến nay khoản nợ đã lên đến 200 triệu đồng, chủ nhà muốn bán nhà để trả nợ, còn chút tiền ra ngoại thành mua miếng đất ở nhưng vướng quy hoạch nên không bán được. “Không biết khi nào Nhà nước thực hiện quy hoạch để bồi thường nhà cho tôi trả nợ. Nếu kéo dài vài năm nữa, không khéo tiền bồi thường không đủ trả nợ thì coi như tôi mất trắng căn nhà!”, chủ nhà này tâm tư.
TS Phạm Sĩ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):
Kỳ lạ
Quy hoạch là để phát triển, nếu không hoặc còn lâu mới phát triển thì chưa cần làm quy hoạch chi tiết mà chỉ cần có một số quy định nào đó về xây dựng là được. Cái gọi là phủ kín quy hoạch chi tiết là kỳ lạ, không cần thiết, tốn công sức mà không khả thi, gây phiền toái. Có thể áp dụng cách thực hiện theo từng giai đoạn để tránh quy hoạch “treo”.
Ở một số nơi như Đài Loan, người ta quy định chậm nhất là hai năm sau khi có quy hoạch chung phải có đủ quy hoạch chi tiết cho giai đoạn đầu, chậm nhất là năm năm sau khi công bố quy hoạch chi tiết phải xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật. Chỉ sau khi xây dựng xong đợt đầu mới chuyển sang đợt sau để tránh quy hoạch treo.
Trong những khu vực quy hoạch cần phát huy vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức này phải mua đất của người dân trong vùng quy hoạch để chuẩn bị cho quỹ đất xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ