Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 15-12 có phản ánh việc 12 nhà đầu tư ở Bình Thuận bị thiệt hại do UBND tỉnh này yêu cầu các nhà đầu tư này ngưng thực hiện dự án, nhường chỗ cho việc thực hiện dự án cảng Kê Gà.
Quy hoạch lình xình
Chiều qua (16-12), ông Bùi Minh Mẫn (dự án khu du lịch Tân Thành Minh) cho biết trước đây ông được kêu gọi đầu tư khu du lịch vào vùng đất này, ông đã đóng tiền thuê đất 50 năm. Lúc đó môi trường tự nhiên ở đây rất khắc nghiệt, trồng cây sống không nổi. Ông đã mất một thời gian dài xây dựng nhà bảo vệ, trồng chết không biết bao nhiêu là cây cỏ. Khi lứa cây đầu tiên sống được thì cũng vừa lúc nhận được thông báo của tỉnh yêu cầu ngưng dự án.
Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là quyết định chính thức cuối cùng nên ông vẫn phải tiếp tục duy trì công trình nhà bảo vệ và thuê người chăm sóc cây cối cho đến nay để duy trì hiện trạng. Thậm chí đến nay vẫn chưa được biết chính xác khi nào thì UBND tỉnh tính chuyện bồi thường nên ông cũng không dám buông!
Ông Mẫn cho rằng tỉnh Bình Thuận phải trả lời dứt khoát cho nhà đầu tư về việc có lấy lại đất làm cảng Kê Gà hay không, khi nào thì lấy. Đồng thời, tính toán bồi thường cho hợp lý và nhanh chóng cho nhà đầu tư chứ không thể lình xình mãi.
Những căn biệt thự sang trọng giờ hoang hóa sau thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Phương Nam |
Trong khi đó, ông Vũ Chí Công, chủ khu du lịch Đức Hạnh, khẳng định ông không đòi bồi thường. “Đây là dự án có giấy phép và UBND tỉnh không thể tùy tiện bắt doanh nghiệp ngưng dự án. Hơn nữa, nếu muốn doanh nghiệp ngưng thì yêu cầu anh ra quyết định chính thức thu hồi dự án để lấy đất phục vụ dự án khác chứ không thể ra một thông báo khơi khơi bắt doanh nghiệp ngưng dự án được”.
Nên bồi thường ra sao?
Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nguyên tắc chung của Luật Đầu tư là nhà đầu tư được bảo vệ quyền lợi và nếu nhà nước có thay đổi chính sách mà chính sách sau gây bất lợi cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư vẫn được hưởng chính sách ban đầu. Thậm chí nhà nước phải bồi thường thiệt hại nếu việc thay đổi chính sách gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Trong trường hợp trên, luật sư Kính cho rằng nhà nước có thể áp dụng Luật Đất đai để thu hồi đất nhằm phục vụ mục đích khác. Tuy nhiên, nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người đang sử dụng đất và việc bồi thường này là theo thỏa thuận.
Về việc UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra giải pháp bồi thường các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, luật sư Kính cho rằng nhà nước đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn làm khó nhau như vậy thì rất khó giải quyết. Nên chăng UBND tỉnh Bình Thuận xem xét giá trị đầu tư trung bình trên mỗi mét vuông đất ở đây để tính ra khoản bồi thường hợp lý chứ đừng quá cứng nhắc vào hóa đơn, chứng từ.
Không chỉ luật Việt Nam mà còn quy định của WTO
Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty luật Nam Hùng, cũng cho rằng không chỉ Luật Đầu tư của Việt Nam bảo hộ quyền lợi của nhà đầu tư mà còn có quy định liên quan đến các chính sách về đầu tư của Tổ chức Thương mại thế giới nhằm bảo vệ các nhà đầu tư (trong lẫn ngoài nước). Theo đó, nhà đầu tư được đảm bảo môi trường đầu tư bình đẳng, được bảo vệ vốn đầu tư trong trường hợp bị các chính sách của nhà nước gây thiệt hại và các khoản bồi thường phải được công nhận.
Nếu trong số các nhà đầu tư này có một nhà đầu tư nước ngoài, hoặc có phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì họ có thể khởi kiện Chính phủ Việt Nam tại Trung tâm Quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư (ICSID: International Centre for the Settlement of Investment Disputes) hoặc Cơ quan Bảo đảm đầu tư đa phương (MIGA: Multilateral Investment Guarantee Agency) yêu cầu hoàn trả vốn đầu tư và các khoản bồi thường khác được quốc tế công nhận.
Ông Nam cho rằng có thể xem mối quan hệ giữa UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư như một giao dịch dân sự. Đã là một giao dịch thì khi một bên tùy tiện chấm dứt giao dịch sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Việc bồi thường này sẽ thực hiện trên cơ sở yêu cầu của nhà đầu tư (bên bị thiệt hại) và UBND tỉnh Bình Thuận mới là bên phải chứng minh yêu cầu của nhà đầu tư có hợp lý, hợp pháp hay không.
Cần công nhận các khoản được bồi hoàn như các khoản được ICSID công nhận hoặc ít nhất cũng là toàn bộ chi phí đầu tư đã bỏ ra trong thực tế và lãi suất cho khoản đầu tư đó như khi gửi ngân hàng.
Một số nhà đầu tư cho biết họ đã mất đi nhiều cơ hội đầu tư khác vì đã dồn sức, dồn của vào dự án khu du lịch tại vùng đất này. Tuy nhiên, luật sư Kính cho rằng đòi bồi thường thiệt hại “cơ hội kinh doanh” này là rất khó vì không thể chứng minh được trong khi nguyên tắc của đòi bồi thường là phải chứng minh thiệt hại thực tế.
Mất uy tín môi trường đầu tư
Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam cho rằng nhìn dưới góc độ của Luật Cạnh tranh thì cũng có vấn đề. Luật này cấm phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Thuận trước thì quy hoạch cho làm khu du lịch, sau lại tùy tiện đòi lại để giao cho hai nhà đầu tư khác làm cảng Kê Gà. Nếu thuần túy đây là một dự án làm cảng để phục vụ kinh doanh thì rõ ràng đã có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh cũng cấm nhà nước cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp phép hoạt động cho 12 nhà đầu tư thì không thể tùy tiện cấm họ tiếp tục kinh doanh. Nhà đầu tư có thể khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận để đòi bồi thường.
Theo ông, nếu vụ này không được giải quyết thỏa đáng theo các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam phải tuân theo trong tư cách thành viên của WTO, nó sẽ trở thành điển hình của sự tùy tiện trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư và làm mất uy tín nghiêm trọng Chính phủ, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
“Đây là một bài học về quy hoạch” - luật sư Lê Thành Kính nhận định. Quy hoạch bất cập, quy hoạch sau đè lên quy hoạch trước dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Quan trọng hơn, sự việc này đã làm xấu đi môi trường đầu tư của Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP