Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có 0,28 - 0,56% công trình xây dựng (CTXD) bị sự cố. Trong khi đó, việc xác định nguyên nhân rất khó khăn do sự cố công trình xuất phát từ nhiều yếu tố. Vì vậy, giới chuyên môn cho rằng cần đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống nguyên nhân dẫn đến sự cố để rút ra quy trình quản lý an toàn công trình nhằm ngăn ngừa. Đây là nội dung chính của hội thảo “Sự cố và phòng ngừa sự cố CTXD” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức tuần qua tại Hà Nội.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chất lượng công trình vẫn phụ thuộc chủ yếu vào quá trình thiết kế và thi công. |
Nhiều nguyên nhân gây sự cố
Cùng với sự bùng nổ về việc xây dựng các công trình, nguy cơ xảy ra sự cố CTXD ngày càng tăng. Nhiều sự cố gây tổn thất kinh tế rất lớn và hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người, điển hình như: Kho, cảng Thị Vải, Hầm chui Văn Thánh, 2 nhịp cầu treo Cần Thơ, đường hầm Thủ Thiêm (TP.HCM), đập Cửa Đạt (Thanh Hóa), mỏ đá D3 thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An)…
Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc xảy ra sự cố trong các CTXD là khó tránh khỏi. Dù có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật, sự quan tâm của người quản lý, nhưng chỉ cần một sơ suất của người khảo sát, thiết kế, sự thiếu kiểm tra của người giám sát, sự vi phạm quy trình kỹ thuật của cán bộ, công nhân trực tiếp thi công… đều có thể dẫn đến sự cố.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chất lượng công trình (CLCT) vẫn phụ thuộc chủ yếu vào quá trình thiết kế và thi công. Ông Bùi Trung Dung - Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD cho rằng, hầu hết các sự cố công trình đều có nguyên nhân từ năng lực của nhà thầu không thoả mãn quy mô công trình.
Còn theo PGS.TS Trần Chủng, ngoài các nguyên nhân cơ bản trong khảo sát, thiết kế… giai đoạn thi công đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng hiện nay, nhiều nhà thầu đã hạ cấp chất lượng vật liệu do bỏ thầu thấp hơn rất nhiều so với chi phí cần thiết. Việc hạ cấp chất lượng vật liệu rất khó kiểm soát khi không có các mô hình giám sát quản lý chất lượng hiệu quả.
Chủ động phòng ngừa sự cố
Theo PGS.TS Trần Chủng, việc xác định rõ nguyên nhân sự cố, rút ra bài học để quản lý an toàn CTXD là hết sức quan trọng. Chúng ta chỉ có thể tránh khỏi rủi ro khi đã xác định rõ nguyên nhân rủi ro để chủ động có giải pháp phòng ngừa trong quản lý CLCT, xuyên suốt các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và khai thác sử dụng.
Còn theo ông Trần Đình Tuấn, Ban Hợp tác quốc tế - Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc nên làm ngay là tổ chức một trung tâm nghiên cứu cảnh báo sớm thảm họa trong xây dựng tại Hà Nội. Việc thành lập trung tâm này có hiệu quả rất thiết thực. Giả sử từ bây giờ mỗi năm chúng ta bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng để duy trì hoạt động của trung tâm. Như vậy, trong 100 năm tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Trong thời gian đó, trung tâm nỗ lực hoạt động, cảnh báo sớm và ngăn chặn được 2 thảm hoạ thì hiệu quả sẽ mang lại đến hàng trăm tỷ đồng, gấp nhiều lần kinh phí bỏ ra.
Ông Trần Ngọc Hùng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các DN hoạt động xây dựng, cần áp dụng phương pháp tiền kiểm; bổ sung các quy định định lượng các loại sự cố và chế độ báo cáo về sự cố; bổ sung quy định phương thức điều tra sự cố đối với từng loại sự cố; bổ sung các chế tài nghiêm minh; bổ sung các quy định bắt buộc về phương pháp kiểm tra cũng như khuyến khích áp dụng các thiết bị kiểm tra tiên tiến nhằm tăng cường công tác quản lý CLCT…
Song để hạn chế tối đa sự cố và đảm bảo CLCTXD, hầu hết các đại biểu cho rằng cần tiến hành đồng bộ 3 giải pháp: Nâng cao vai trò, chế tài trách nhiệm và quy định điều kiện năng lực của các chủ thể; hoàn thiện quy trình quản lý hoạt động xây dựng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và công nghệ quản lý CLCTXD; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về CLCTXD. Công tác quản lý CLCTXD cũng cần được sự quan tâm, giám sát của toàn xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng