Những doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải đối mặt với số nợ “siêu khủng” là: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Viglacera, Tổng công ty Vicem, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội…
Nam Đàn Plaza - một trong những dự án bất động sản dở dang của PVL
|
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) vừa chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ quyền sở hữu tài sản trên đất tại khu đất có tổng diện tích 2.833,6m2 của Tòa nhà Trung tâm thương mại và khách sạn Quỳnh Lưu Plaza (thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho đối tác Vietinbank khai thác sử dụng. Giá trị chuyển nhượng không thấp hơn giá trị công nợ của PVL tại Vietinbank Hoàng Mai và toàn bộ chi phí liên quan để hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng tính đến thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng.
Điều đáng lo ngại là nguồn thu chủ yếu của PVL trong nửa đầu năm 2014 chủ yếu đến từ việc cho thuê và kinh doanh khách sạch Quỳnh Lưu. Việc chuyển nhượng dự án cho Vietinbank vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến đáng kể đến nguồn thu của PVL trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong thương vụ này, PVL đã không còn đường lùi.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2014 của PVL, do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện, đơn vị kiểm toán đã lưu ý: PVL có khoản vay quá hạn 24,2 tỉ đồng tại VietinBank chi nhánh Hoàng Mai từ năm 2011.
Báo cáo tài chính của PVL cũng ghi nhận, trong quý II/2014, PVL ghi nhận khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm gần 6 tỷ đồng. Với kế quả này, PVL đã 8 quý lỗ ròng liên tục với mức lũy kế 187,4 tỷ đồng, chiếm hơn 37% vốn điều lệ (500 tỷ đồng).
Trường hợp PVL bị ngân hàng siết nợ không phải là trường hợp cá biệt khi mới đây, Công ty địa ốc Hoàng Quân TP. Hồ Chí Minh (HQC) phải chấp thuận phương án giải chấp cho ngân hàng trước khi bán căn hộ cho khách hàng sử dụng vay vốn tín dụng gói 30.000 tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi BIDV ký hợp đồng cho HQC vay 540 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để triển khai dự án nhà ở thương mại giá rẻ, đầu năm nay, khi HQC tiếp tục gửi 600 bộ hồ sơ khách hàng cá nhân đề nghị mua căn hộ theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đến chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn đã bị chi nhánh này từ chối. Theo yêu cầu của ngân hàng, các hồ sơ khách hàng cá nhân chỉ được xem xét cho vay trên cơ sở Hoàng Quân phải nộp thêm vốn bù đắp phần tài sản thế chấp cho mỗi căn hộ sau khi bán để tránh tình trạng tài sản thế chấp chồng lên thế chấp.
Theo ông Đặng Văn Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng), việc các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản mất cân đối tài chính thời gian gần đây xuất phát từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Trong những năm từ 2011 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản hiện nay đều đầu tư, kinh doanh bằng nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất cao.
Tính riêng 16 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng quản lý như: HUD, Viglacera, Hancorp, Licogi, Idico, Viwaseen... thì hơn 90% nguồn vốn đầu tư (trong tổng số 96.253 tỷ đồng) đều là vốn vay ngân hàng. Năm 2013, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp này lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 7% doanh thu sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản có số nợ “khủng” nhất trong số này là: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Viglacera, Tổng công ty Vicem, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội…
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư