Chung cư bình dân hay trung cấp đang "nóng" nhất thị trường như một xu thế chung của rất nhiều dân lao động thuần túy. Còn thổ cư, đâu đó đã manh nha ý tưởng bán đất thổ cư theo dạng trả góp để đáp ứng lực cầu chưa bao giờ giảm đối với từng "tấc vàng" ở Hà thành.
Với mặt bằng tài chính trong phổ khách hàng "nung nấu" mua nhà, sẵn sàng dốc ví để "chốt" giao dịch, họ thường chỉ dám tìm tới các chung cư thương mại giá rẻ, dự án nhà ở được hưởng ưu đãi chính sách tín dụng (gói 30.000 tỷ đồng - PV).
Nhưng khi giới xây và bán BĐS "mượn gió bẻ măng" với những kỹ xảo găm hàng - xả nhỏ giọt - chênh cao vút thì người cần nhà cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Bởi lẽ, số lượng dự án đã và đang hoàn thiện dạng này trên thị trường nhà đất Hà Nội đồng thời đáp ứng các yêu cầu "rẻ - gần trung tâm - xong hạ tầng - thanh toán linh hoạt" chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Lý thuyết màu xám
Ai đó sẽ thắc mắc về yếu tố pháp lý (sổ hồng căn hộ) của dự án chung cư bình dân tại sao không được nhắc tới. Câu trả lời đã có trong số liệu thống kê về lượng giấy chứng nhận quyền sở hữu/sở dụng BĐS mà giới quản lý - các đơn vị tạo lập nhà đất đang "nợ" người dân - khách hàng.
-Nỗ lực từ nhà băng, quyết tâm từ Chính phủ, khát khao "vượt khó" của DN đều đã được cụ thể hóa mạnh mẽ trong hai quý gần đây nhất. Kết quả tới lúc này: mỗi khi sắp có dự án giá rẻ bung hàng mở bán, dân tình Thủ đô lại bàn tán về mức giá gốc sẽ được "cộng" thêm mức chênh tối thiểu là bao nhiêu.
Ví dụ dễ thấy về tâm lý thực tế đó chính là các phiên mở bán theo kiểu "môi giới, cò mồi đông hơn khách" ở dự án của Xí nghiệp nhà Lai Châu… Viễn cảnh tươi sáng rằng đã đến thời của người có nhu cầu mua nhà thực mà nhiều chuyên gia "tô vẽ", bây giờ đã chuyển thành "thời của môi giới/đầu cơ".
Với người chưa am hiểu bản chất thị trường BĐS, nhất là người đang quá "khát" chỗ an cư, họ dễ dàng chấp nhận những bất hợp lý hiện tại đến từ giới bán hàng (phần nào có cả giới trung gian) khi mua chung cư dạng vay tiền trả góp.
Còn lại, nhiều người vẫn tiếp tục thuê nhà và dồn tiền mua thổ cư trong tầm tài chính "xoay" được. Sản phẩm thổ cư khoanh vùng tập trung ở giá thành quanh 2 tỷ đồng (vị trí không quá xa trung tâm như Hà Đông, Tây Tựu... hoặc không quá sâu trong ngách ở địa bàn tiệm cận nội đô). Nhưng điều quan trọng nhất, người mua được trả góp (tối thiểu 60%) và thanh toán nhiều đợt theo tháng.
Đâu đó đã manh nha ý tưởng bán đất thổ cư theo dạng trả góp ở Hà Nội
|
Tìm hiểu nhanh tại khu vực Kim Giang, Bùi Xương Trạch, từ đầu tháng 7 đến nay, đã có gần chục gia đình bán đất thổ cư theo cách thức "tạo điều kiện chi trả" cho người mua.
Sổ đỏ chính chủ, nghĩa vụ thuế hoàn chỉnh, nguồn gốc đất rõ ràng, không tranh chấp, khách hàng chỉ cần thanh toán trước 60 - 70% giá trị BĐS và "túc tắc" trả dần phần còn lại không lãi suất. Nghĩa vụ tài chính hoàn thành, sổ đỏ sẽ được sang tên.
"Tôi vừa thanh toán 1,5 tỷ đồng (trên tổng giá trị 2,3 tỷ đồng) để mua trả góp mảnh đất 45m2 ở khu này. Theo tính toán, mỗi tháng thanh toán 20 triệu đồng, thì sang năm là có nhà", bà Lan, chủ một cửa hàng quần áo phấn khởi nói.
Nơm nớp lo bị "lật kèo"
Tại khu vực Hà Đông, những giao dịch thổ cư dạng này cũng không hiếm. Khảo sát thông tin "vỉa hè" (ở các quán nước ngay trục lộ Nguyễn Trãi - Trần Phú), người mua nhà đất thổ cư tìm đến đây ngày càng đông.
La Khê, Mộ Lao, Xa La, Cầu Trắng (dọc bờ sông Nhuệ) thu hút đủ đối tượng từ "cò" tới các gia đình ở phương xa tìm về Thủ đô mua nhà. "Thôi thì đủ thành phần đi mua đất. Nhưng đợt này họ đều dò la về các mảnh đất nhỏ, giá trị thấp và đặc biệt… thích các chủ đất chấp nhận bán trả góp", ông Sơn, chủ quán giải khát sát Siêu thị Co.op Mart Hà Đông nói.
Cụ thể về những giao dịch "ngon - bổ - rẻ" như trên, những môi giới đi lên từ thổ cư đều tỏ ra thận trọng và ngần ngại khi người viết ngỏ ý muốn mua gấp. Thậm chí, nhiều vị còn đưa ra lời khuyên tránh xa những thương vụ phức tạp này.
Trước hết, chính là vấn đề hợp đồng mua bán. Nếu mua bán nhà đất (thổ cư) kiểu thanh toán trả góp thì các thủ tục giấy tờ sẽ rất rắc rối. Thông thường, đồng thời với hành động giao tiền (60 - 70% giá trị BĐS), hai bên sẽ cùng lập giấy tờ mua bán có công chứng.
Nhưng sau đó, bên bán chắc chắn sẽ yêu cầu bên mua viết giấy vay nợ với đầy đủ các nội dung chi tiết: số tiền nợ, thời hạn thanh toán, giá trị thanh toán hàng tháng (hoặc hàng quý) tùy theo thỏa thuận hai bên, hình thức thanh toán (người vay tự đến trả hay bên cho vay tìm tới "con nợ"). Đương nhiên, vấn đề lãi suất hoàn toàn không xuất hiện như hai bên đã thống nhất.
Liên quan tới toàn bộ quá trình trả dần giá trị BĐS giao dịch, các công đoạn trên đã manh nha không ít phức tạp phát sinh. Tiêu biểu, giả sử đến hạn thanh toán, người mua không thể trả đầy đủ, có hay không khả năng họ sẽ "mất trắng" số tiền đã bỏ ra trước đó?
Lại thêm nữa, khi đã trả đủ, chủ nhà bỗng biệt tích. Hỏi ra, căn nhà đã bị thế chấp từ lâu và đang có "trát" từ nhà băng. Thêm nữa, với những chủ nhà xấu bụng, việc "chây ì" sang tên (để vòi tiền từ người mua) đã quá phổ biến ở Hà Nội...
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh