Đề nghị nâng thời hạn tối thiểu để chủ đầu tư được bán nhà ở xã hội đang cho thuê từ 5 năm lên 10 năm.
Nâng cao hiệu quả chính sách nhà ở xã hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, ý kiến chung của các vị ĐBQH nhất trí về chính sách nhà ở xã hội nhưng cách thức thực hiện, chế độ quản lý sao cho thực chất, hiệu quả thì lại khác nhau. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần giữ vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội, nhưng phải bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, tránh lợi dụng các cơ chế ưu đãi để hưởng lợi.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị việc xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhân dân, còn Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội và đề nghị quy định rõ về đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội để tránh hiện tượng bao cấp tràn lan. Loại ý kiến thứ ba, đề nghị dự thảo Luật cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở để cho công nhân thuê.
Theo ông Phan Trung Lý, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở thì nhiều nước trên thế giới đã xác định đây là trách nhiệm chính của Nhà nước.
Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, do đó cần phải có nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, dự thảo Luật đã quy định việc phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng nhưng Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng mục tiêu bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân đã được Hiến pháp quy định.
“Thường trực UBPL đề nghị ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế cao hơn so với xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua; quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên thuê”, ông Lý cho biết.
Mặt khác, để bảo đảm quyền có chỗ ở của người nghèo, đề nghị nâng thời hạn tối thiểu để chủ đầu tư được bán nhà ở xã hội đang cho thuê từ 5 năm lên 10 năm, trừ trường hợp người thuê có khả năng tài chính và có nhu cầu mua hoặc thuê mua. Đồng thời, đề nghị quy định lại về điều kiện thu nhập để có thể được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo đúng tiêu chí, theo đó nhà ở xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng về tài chính để cải thiện nhà ở theo cơ chế thị trường.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cần quy định chặt chẽ về chính sách khuyến xây dựng nhà ở xã hội, vì “tôi thấy báo chí phản ánh khá đúng. Cần làm chặt kẻo lợi của nhà đầu tư là thấy rõ, nhưng đối tượng nhà nước quan tâm là người ở thì chưa rõ, đặc biệt ở cơ chế mua-bán. Ưu đãi đối tượng đầu tư nhưng phải có điều kiện cụ thể”.
Bà Trương Thị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi xác lập đối tượng tương đối phù hợp. Nhưng người nghèo tại đô thị lại không được gì trong khi khoảng cách thu nhập với hộ nghèo nông thôn chỉ 100.000 đồng, thậm chí thu nhập còn thấp hơn. Do đó bà Mai đề nghị cần đưa đối tượng này vào.
Mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị bổ sung quy để làm sao người có công được vay vốn tín dụng ưu đãi, “để người ta có cái nhà đàng hoàng, chính sách bình đẳng”.
Băn khoăn về lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội
Đây là một trong những nội dung trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi nhận được nhiều ý kiến ĐBQH cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến. Theo đó, có ý kiến tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước này. Loại ý kiến thứ hai, không tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội mà nên đưa việc huy động vốn của Quỹ vào Ngân hàng chính sách xã hội để thay chức năng cho vay của Quỹ này.
Theo ông Phan Trung Lý, việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là để tạo thêm một kênh huy động vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định và thời gian cho vay dài hạn của các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về nhà ở được vay vốn từ Quỹ để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Việc quy định thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật nhà ở hiện hành, trong đó làm rõ các địa phương cần phải thành lập Quỹ và mô hình tổ chức của Quỹ để bảo đảm hoạt động thống nhất, đúng mục đích, có hiệu quả hơn như: không yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố phải thành lập Quỹ theo Luật hiện hành mà chỉ quy định thành lập Quỹ tại các địa phương là đô thị đặc biệt hoặc có đô thị loại 1 và một số tỉnh có nhiều công nhân khu công nghiệp. Đây là những địa phương có nhu cầu cao về nhà ở, đồng thời có điều kiện hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở xã hội.
Ông Lý cũng cho rằng việc quy định thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, người nghèo chưa đủ khả năng tài chính có thể tạo lập chỗ ở bằng việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Mặt khác, Ngân hàng chính sách xã hội hiện chỉ tham gia cho vay vốn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình tín dụng của cả nước theo quy định của Chính phủ mà không thực hiện cho vay riêng đối với từng địa phương. Vì vậy, nếu chuyển việc huy động vốn của Quỹ qua Ngân hàng này để hỗ trợ cho các địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội là không hợp lý.
Đồng ý với việc lập quỹ, song có ý kiến đề nghị cần giao về Ngân hàng Chính sách để dễ quản lý và không phải thành lập bộ máy quản lý.
Liên quan nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc phội Tòng Thị Phóng cho rằng nên có quỹ, có thể thu hút nhiều đối tượng tham gia: “Đây là lĩnh vực quan tâm an sinh xã hội, quan tâm người nghèo, trong đó có người nghèo ở đô thị. Tuy nhiên, không nhất thiết tất cả 63 tỉnh, thành phố đều có quỹ này và quỹ nên đi vào từng nhóm đối tượng đặc thù”.
Ở một góc độ khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Cứ một cái luật là một cái quỹ, không biết sử dụng thế nào? Các quỹ BHXH, BHYT mạch lạc như thế mà thủ tục hành chính còn nhiều vấn đề. Thiết kế chính sách thì Nhà nước lo chính sách, không nên bao cấp giữa chừng. Nhà ở xã hội là cho người thu nhập thấp, kèm theo đó là chính sách cho các đối tượng, do đó phải định nghĩa cho rõ”.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV