Thông tin về Bộ Xây dựng có đề xuất về việc người dân chỉ được sở hữu nhà chung cư có thời hạn đã gây tranh cãi rất lớn trên nhiều diễn đàn.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 9.2, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng - đã khẳng định, Bộ Xây dựng chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết:
- Tôi khẳng định là Bộ Xây dựng chưa có ý kiến gì chính thức về vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Có thể trong một văn bản nào đó của bộ đã gây nên sự hiểu nhầm này, cũng có thể do chưa hiểu hết nên mới có dư luận cho rằng Bộ Xây dựng kiến nghị về sở hữu có thời hạn nhà chung cư. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nên đa dạng hình thức sở hữu nhà chung cư.
Các dự án xây nhà chung cư sẽ chịu thiệt hại nếu áp dụng quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Ảnh: Giang Huy |
Trong quá trình nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, nhiều nước có nhiều hình thức sở hữu nhà ở, sở hữu đất. Nhà nước cho người dân quyền sử dụng đất đa dạng, lâu dài. Nhà ở cũng vậy, làm trên đất nào thì hình thức sở hữu khác nhau. Người ta có nhiều điều kiện để lựa chọn hơn. Đây là kinh nghiệm của nước ngoài chúng ta cần nghiên cứu khi nào có điều kiện thì chúng ta áp dụng.
Tôi cho rằng, nhà ở nói chung liên quan rất nhiều đến đất đai, trong đó ở nước ta, đất là sở hữu toàn dân. Hiện nay Nhà nước cũng cho nhiều hình thức sử dụng đất như: Sử dụng đất lâu dài cũng có trường hợp sử dụng có thời hạn 70 năm, 50 năm...
Nếu công trình ở trên đất ấy, đương nhiên nhà thuộc sở hữu cá nhân, nhưng đất sở hữu có thời hạn. Hết thời hạn phải bàn giao lại. Thuê đất có thời hạn có nhiều hình thức: Trả tiền hằng năm, trả tiền một lần, trả tiền cho cả thời gian thuê...
Vậy lý do gì mà nhà ở không có những hình thức như thế. Theo tôi, nên đa dạng hình thức sở hữu. Thực ra sở hữu nhà ở phụ thuộc vào mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất đấy và đương nhiên đất có giá trị sử dụng. Ví dụ nhà chung cư, nếu bóc tách giá đất ra, chỉ có giá thành nhà thì giá nhà chắc chắn sẽ rẻ hơn.
Về thời gian sở hữu thì, theo tôi, để yên tâm nên có thời hạn tương đối dài một chút. Sau khi hết thời hạn có thể gia hạn. Ở nước ngoài có thể gia hạn thêm 70 năm nữa.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhấn mạnh lại rằng, đây mới là nghiên cứu, đi học tập ở nước ngoài, thấy người ta có nhiều hình thức thì mới đề xuất với Chính phủ, chứ chưa đưa vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trong năm 2012.
* Ông có cho rằng, nếu đề xuất này có hiệu lực, nhiều người cho rằng giá đất nền sẽ tăng cao và liệu có dẫn tới tình trạng nhà chung cư mới nhưng sở hữu có thời hạn thì giá rẻ, còn nhà cũ sở hữu vĩnh viễn thì giá càng tăng?
- Chúng tôi cho rằng không ảnh hưởng đến đất nền, vì giá nhà đất phụ thuộc vào quy luật cung - cầu, cung nhiều giá thấp, cung ít giá cao, phụ thuộc vào vị trí. Vị trí tốt, giá cao, giá ở trung tâm khác giá ngoại thành. Vì vậy không thể nói rằng, có chính sách này thì giá phân khúc này tăng, phân khúc kia giảm.
Chính sách của Nhà nước ban hành bao giờ cũng mong muốn đem lại những điều có lợi nhất cho dân. Còn về nhà chung cư sở hữu có thời hạn giá rẻ hay nhà cũ giá cao thì như tôi đã nói: Đây là đa dạng hoá hình thức sở hữu. Ai thích sở hữu lâu dài vẫn có lâu dài, ai thích sở hữu có thời hạn thì vẫn có thời hạn, như thế tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đa dạng của người dân, chứ không phải bắt buộc.
* Ông có đề xuất gì để giảm giá nhà? Hiện nay giá nhà quá cao so với thu nhập người dân?
- Tôi cho rằng, cần đa dạng hoá hình thức sở hữu, làm cho đầu tư vào nhà ở giảm đi, vì vậy giá nhà cũng sẽ giảm. Thứ hai là cần tăng nguồn cung. Hiện nay tiền đất chiếm phần lớn trong giá nhà nếu tách riêng ra tiền đất, trả tiền đất hằng năm thì giá nhà sẽ giảm xuống.
Nói kinh nghiệm của nước ngoài áp dụng vào Việt Nam làm cho giá đắt lên là không đúng, bởi các nước cũng có nhiều hình thức sở hữu về đất đai. Tôi lấy ví dụ như một gia đình không có con, già rồi thì sẽ lựa chọn mua nhà, trả tiền thuê đất hằng năm. Chính vì vậy, họ sẽ không lựa chọn sở hữu mãi mãi, nhưng vẫn có hình thức sở hữu mãi mãi để ai có nhu cầu thì lựa chọn.
* Cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động