Mua nhà tại những con đường thường xuyên ngập lụt sau những trận mưa lớn, chủ nhà "méo mặt" vì dù có giảm giá mạnh vẫn khó bán lại.
Những căn nhà bị ngập nước thường có giá bán rẻ hơn bình thường. (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Thùy Linh cho biết, chị mua nhà tại phố Đông Thiên (Quận Hoàng Mai, Hà Nội), cứ mỗi lần cơn mưa lớn xảy ra, ngõ nhà chị lại bị ngập sâu.
“Gia đình tôi đã mua nhà ở đây được 3 năm, lúc mua thấy căn nhà nằm ở con ngõ rộng, giá cả lại hợp lý nên tôi nhanh chóng xuống tiến. Tuy nhiên, về ở được khoảng nửa năm thì đến mùa mưa bão ở Hà Nội, lchúng tôi mới tá hỏa vì cứ sau mỗi trận mưa lớn là tầng 1 của căn nhà lại bị ngập. Mặc dù nền nhà cao hơn đường 20cm, nhưng gặp cơn mưa lớn thì nước và rác thải vẫn tràn vào nhà, nhiều đồ đạc ở tầng 1 bị ngập nước đã bị hư hỏng”, chị Linh nói.
Cũng theo chị, sau mỗi cơn mưa, cả nhà chị lại phải vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, rất mất công. Khổ nhất là nước bẩn tràn vào bể ngầm nước sinh hoạt, khiến chị phải thau dọn bể, rất mệt.
“Cứ mỗi khi có cơn mưa lớn ở Hà Nội, tôi đi làm lại thấp thỏm vì lo nước tràn vào nhà, gây chập điện và mất công dọn dẹp”, chị Linh than.
Chị Linh cũng cho biết, sau khi ở 2 năm, vợ chồng chị thấy quá bất tiện nên đã rao bán nhà. Thời gian đầu, chị Linh bán giá cao hơn lúc mua khoảng 400 triệu đồng, nhưng để nửa năm không ai hỏi, chị Linh đành giảm về dưới giá lúc mua. Tuy vậy đến nay căn nhà vẫn chưa có khách chốt.
Tương tự, anh Trần Văn Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rao bán căn nhà của mình ở phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vì thường xuyên bị ngập nước.
Anh Minh cho biết, căn nhà nằm trong ngõ, nhưng ngõ rộng, nhà đẹp, gần đường lớn, nên anh Minh nhanh chóng xuống tiền mua. Lúc mua, thấy chủ nhà để nền cao hơn đường đến 40 - 50cm, nhưng anh Minh không mấy để ý nguyên nhân.
Về ở được gần 1 năm, anh Minh mới phát hiện căn nhà của mình nằm ở khu vực ngập nước nặng. Tuy nước không tràn được vào nền nhà, nhưng cứ mỗi cơn mưa to là đường ngập, việc đi lại rất khó khăn.
Vì vậy, anh Minh quyết định bán nhà để chuyển đi nơi khác sống. Sau 3 tháng đăng tin, do căn nhà bán với mức giá rẻ, nên đã tìm được khách hỏi mua. Tuy nhiên, hôm khách đến cọc tiền, đúng ngày có trận mưa lớn, nước ngập đường, khách nhanh chóng "quay xe", hẹn vợ chồng anh Minh hôm khác đặt cọc.
“Từ sau hôm cọc “hụt” ấy, khách cũng không quay lại nữa. Theo môi giới thì do khách thấy nhà nằm ở khu bị ngập sâu nên không muốn mua”, anh Linh buồn rầu kể lại.
Chị Lê Ngọc Liên, một môi giới nhà đất tại Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, những khách mua nhà sành sỏi sẽ để ý rất kỹ đến vấn đề ngập lụt, vì đây là việc rất bất tiện cho mỗi căn nhà.
Nhiều khách tìm mua nhà nhưng biết nằm trên những tuyến đường “nổi tiếng” ngập nước là họ bỏ qua ngay.
“Việc thuyết phục khách mua nhà tại những khu vực ngập nhiều trở nên khó khăn hơn. Hễ đụng vào những khu hay ngập nước là khách do dự, không mua nữa”, chị Liên cho biết.
Thông thường, với những khách ruột hay nhà đầu tư ruột, chị Liên thường khuyên khách đi xem nhà vào ngày mưa.
Bởi lẽ, việc xem nhà ngày mưa sẽ giúp khách nhận ra những khuyết điểm của ngôi nhà, tránh được những rắc rối mà phải về ở mới phát hiện được.
Vào những ngày mưa, các căn nhà thổ cư thường bộc lộ một số điểm yếu như nước ngấm chân tường lâu ngày dẫn tới nấm mốc, thấm dột từ trần, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sinh sống trong nhà và gây mất thẩm mỹ.
Do vậy, chị Liên cho hay, nhà nằm ở khu vực thường xuyên bị ngập hay bị nước tràn vào mỗi khi mưa to thường có giá rẻ hơn 10 - 20% so với khu vực vị trí tương đồng nhưng không bị ngập.
“Vì vậy, nếu phát hiện ra lỗi, người mua hoàn toàn có thể thương lượng lại giá với chủ nhà ngay tại chỗ. Như vậy, khách hàng sẽ mua được nhà với giá cả hợp lý hơn", chị Liên nói.
Ông Giang Anh Tuấn - Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh cũng cho biết, những căn nhà nằm ở khu vực bị ngập nước thường có giá rẻ hơn thị trường và rất kén khách.
Người mua nhà, ngoài giá cả, phong thủy, cơ sở hạ tầng giao thông và môi trường sống, ngập nước là yếu tố được đưa vào khảo sát đầu tiên. Bởi lẽ, mua nhà ở những khu vực dễ bị ngập nước không những đi lại khó khăn, cuộc sống bị ảnh hưởng, mà chi phí cũng bị thiệt hại.
Theo ông Tuấn, có rất nhiều cách để nhận biết căn nhà đó có vấn đề với mưa ngập hay không.
Trước hết là quan sát độ cao của cốt nền căn nhà so với xung quanh. Nếu cốt nền nhà của khu vực cao hẳn lên so với xung quanh thì thường là khu dễ bị ngập. Khi trời mưa cũng sẽ khó khăn hơn để về nhà vì phải qua vùng ngập sâu.
“Đa số nhà xung quanh có cốt nền cao là đường trước nhà dễ ngập”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người mua nhà cũng cần quan sát chân tường nhà của khu vực cần khảo sát. Nếu trời khô ráo mà chân tường có rong rêu bám và có vết ố chạy song song với chân tường thì nghĩa là nước sẽ cao đến đó khi ngập. Ngoài ra, người mua nhà nên hỏi kỹ người dân sống xung quanh để biết mức độ nước ngập ra sao.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC