Top

Một số doanh nghiệp, tư nhân đẩy giá đất lên cao để lừa đảo

Cập nhật 13/04/2021 11:15

Một số DN tư nhân, cá nhân trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức.



Sở Xây dựng TP.HCM vừa sơ kết công tác phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020. Trong đó nêu thực tế về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm doanh nghiệp (DN) tư nhân, các cá nhân.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, một số DN bất động sản tại TP bị khởi tố vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các DN này là lập khống dự án khu dân cư, vẽ ra các dự án ma rồi rao bán lại cho khách hàng thu về hàng tỉ đồng hoặc ký hợp đồng thỏa thuận để bán và thu tiền với những dự án chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Ngoài ra, một số DN tư nhân trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức.

Một trong các hình thức lừa đảo là làm dự án không có thật, đẩy giá đất lên cao, phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, mua bán lòng vòng, xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, xây nhà “ba chung” để bán hoặc ngăn phòng cho thuê.

Đồng thời nhiều nơi xin giấy phép xây dựng nhà ở nhưng lại ngăn nhiều phòng ra để kinh doanh. Một số DN lớn liên kết, liên doanh với DN nhà nước thực hiện việc đầu tư, góp vốn rồi thoái vốn để thâu tóm tài sản công, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Việc phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp trái pháp luật diễn ra phức tạp, việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý triệt để, có sự tham gia công khai của môi giới, đầu nậu.

Tình trạng này xảy ra phổ biến ở các huyện, đáng chú ý nhất là huyện Bình Chánh. Nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất lấn rạch để cho thuê và bán nhà ở cho các hộ dân thu lợi bất chính. Tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), qua công tác thanh tra đã chỉ ra hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp được các chủ đầu tư phân lô, bán nền, xây dựng không phép hàng trăm căn nhà bán cho nhiều người sử dụng.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết từ năm 2016 đến 2020, trên toàn TP xảy ra gần 11.000 trường hợp vi phạm xây dựng. Theo nhận định của Sở Xây dựng, số vụ vi phạm về trật tự xây dựng đã được kéo giảm mạnh trong nhiều năm gần đây.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO