Top

‘Ách tắc’ tiền sử dụng đất bổ sung, chủ dự án lẫn người mua nhà đều… khổ

Cập nhật 09/04/2021 13:09

Chủ dự án nhà ở phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung nếu có điều chỉnh tăng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Tuy vậy, quy trình định giá đất kéo dài đang gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.

Quy trình định giá đất cho các dự án nhà ở thương mại thường kéo dài từ 1 - 2 năm.

Định giá đất kéo dài, chủ dự án "lách luật"

Thời gian qua, không ít chủ đầu tư dự án nhà ở tại TP.HCM gặp vướng mắc trong khâu xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung trước khi đưa dự án vào kinh doanh cũng như sau khi bàn giao nhà cho người mua.

Thực tế, nhiều dự án nhà ở sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhhận quyền sử dụng đất dự án thì có sự điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc như tăng hệ số sử dụng đất và tăng số lượng nhà ở. Điều này dẫn đến phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung nếu dự án có tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Tuy vậy, các quy định lại không nêu cụ thể thời gian phải thực hiện nghĩa vụ này. Đồng thời, thời gian xác định tiền sử dụng đất bổ sung thường kéo dài 1 – 2 năm.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung mới được xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, trong khi chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ này theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cũ, sẽ gây khó khăn.

“Điều này dẫn đến, có trường hợp chủ đầu tư lách luật để huy động vốn theo hình thức đặt cọc, giữ chỗ, dẫn đến những pháp lý phức tạp của dự án”, ông Khiết nói.
Chậm xác định tiền sử dụng đất bổ sung khiến cho chủ đầu tư lẫn người mua nhà đều… khổ.

Để giải quyết vướng mắc, Sở Xây dựng đề xuất tháo gỡ theo 2 hướng. Với những dự án có thay đổi quy hoạch nhưng không tăng hệ số sử dụng đất và diện tích sàn xây dựng (thêm tầng hầm hoặc mở rộng diện tích sàn tầng hầm) thì được xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cho toàn dự án.

Còn với dự án có thay đổi chỉ tiêu quy hoạch như tăng hệ số sử dụng đất, diện tích sàn xây dựng và số lượng căn hộ, Sở Xây dựng sẽ xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cho số lượng nhà ở tương ứng theo chỉ tiêu quy hoạch mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Tiếp đó, sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, Sở Xây dựng sẽ xem xét cho bán số lượng nhà ở còn lại trong dự án.

Người mua nhà bất an, chủ đầu tư mang tiếng bội tín

Tình trạng ách tắc tiền sử dụng đất dẫn đến ách tắc sổ hồng cũng là một trong những vấn đề vướng mắc còn tồn tại ở TP.HCM nhiều năm qua.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, việc chậm cấp sổ hồng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu tại các dự án nhà ở thương mại đến từ ách tắc trong khâu xác định tiền sử dụng đất.

Thống kê của HoREA cho thấy, hiện TP.HCM có 56 dự án (trong tổng số 490 dự án được phê duyệt giai đoạn 2015 - 2019) với gần 30.000 căn nhà của 14 doanh nghiệp bị chậm cấp sổ hồng. Ngoài ra, hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, ngày 30/3/2021, UBND TP.HCM đã chấp thuận xử lý theo 2 hướng nói trên nhằm tháo gỡ vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet