Top

Mòn mỏi chờ thị trường "lên”

Cập nhật 29/04/2008 08:00

Cuối tuần qua, N - trưởng phòng makerting một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) - gọi điện thoại mời một số phóng viên uống cà phê để trao đổi thông tin về thị trường.

Gặp mặt, N than thở: "Sáng nào mở báo ra đọc cũng thấy thị trường ảm đạm quá. Kiểu này thì không thể làm ăn gì được nữa rồi". N cho biết, công ty của anh chuẩn bị triển khai xây dựng một khu căn hộ cao cấp cả ngàn căn trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè, TP.HCM) vào tháng 5 tới. Đây là dự án được công ty chuẩn bị từ đầu năm 2007 đến nay, nhưng bây giờ không xây dựng thì không được, mà xây rồi không biết khi bán liệu có ai mua. "Các anh chị có cách nào viết bài cho thị trường vui lên một chút được không?" - N đưa ra lời đề nghị khá buồn cười. Nhưng đằng sau lời đề nghị ấy chứng tỏ sự sốt ruột không chỉ của N mà còn của nhiều nhà đầu tư địa ốc trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, bao nhiêu nhà đầu tư như "ngồi trên lửa" vì không thể bán được đất nền, căn hộ mà họ đã mua trước đây, trong khi vốn vay ngân hàng đang chồng chất, sinh lãi từng ngày; tiền đóng tiếp cho chủ đầu tư theo tiến độ trong hợp đồng đã đến hạn nhưng lại không xoay xở được.

Trước khi gặp N hai ngày, tôi đã nghe câu chuyện của một người đàn ông với nét mặt vô cùng buồn bã. Vào tháng 3.2007, anh quyết định thế chấp căn nhà của mình ở Q.12 vào ngân hàng và được ngân hàng cho vay 800 triệu đồng để mua một căn hộ tại Q.7. Anh tính toán chỉ sử dụng tiền vay 400 triệu đồng để mua lại suất đặt cọc, trong đó tiền chênh lệch là 100 triệu và 300 triệu đồng tiền trả đợt 1, sau đó trả tiếp thêm đợt 2 khoảng 400 triệu đồng nữa là có thể sang nhượng lại căn hộ. Theo dự kiến của anh, sau khi sang nhượng có thể mức lợi nhuận của căn hộ này khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Thế nhưng, điều oái oăm là khi anh đến ngân hàng vay tiếp đợt thứ 2 để trả cho chủ đầu tư dự án thì ngân hàng từ chối. Nhà thì đã thế chấp, căn hộ thì không bán lại được mà tiền đóng tiếp cho chủ đầu tư thì không có. "Thị trường đang đẩy tôi vào cảnh bế tắc hoàn toàn. Tôi cũng đã chạy vay mượn nhiều nơi để đóng tiếp tiền mua căn hộ nhưng không biết khi nào thị trường sôi động trở lại để bán. Kiểu này chắc đến nhà cũng không có để mà ở" - người đàn ông này tâm sự.

Tình cảnh vay mượn, cầm cố nhà cửa để đầu tư theo phong trào vào thị trường BĐS đang đẩy nhiều người vào vòng luẩn quẩn. Tháng 12.2007, T - một nhân viên ngành bưu điện - hồ hởi gọi điện báo tin: "Lô đất em mua ở một dự án thuộc huyện Nhà Bè đã tăng lên 24 triệu đồng/m2 rồi!". Nhưng cuối tháng 3.2008, khi hỏi lại, T cho biết: "Hồi đó em mua lại với giá 18 triệu đồng/m2, bây giờ người ta chỉ trả 15 triệu đồng/m2 thôi. Bán bây giờ thì em lỗ nặng quá!". Tôi chỉ còn biết lắc đầu và nhẩm tính: vậy là T đã lỗ mất khoảng 600 triệu đồng với lô đất 200m2 đã mua với hy vọng là sẽ lãi tiền tỉ trước đó.

Bao giờ thị trường sôi động trở lại? Đó là câu hỏi của nhiều người đầu tư vào thị trường địa ốc đang gặp bế tắc.

Theo Thanh Niên