Top

Môi giới BĐS: Lại lo chuyện bằng cấp

Cập nhật 06/03/2014 09:23

Một trong những đề xuất trong Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi về phần môi giới địa ốc, sự lo lắng về đòi hỏi trình độ chuyên môn lẫn bằng cấp là có cơ sở.

Đến nay, lực lượng môi giới địa ốc cơ bản được quy hoạch nằm trong các sàn giao dịch (vẫn còn một bộ phận thiểu số các cá nhân hoạt động trá hình dưới hình thức trung tâm, văn phòng đất đai không thuộc quản lý hành chính).

"Sống lâu lên lão làng"

Đó là thực tế phổ biến về khả năng chuyên môn, hiểu biết về "nghề" của đại bộ phận môi giới BĐS hiện tại.

Như vậy, tạm coi đội ngũ làm việc tại các sàn giao dịch (kiêm chức năng đầu tư hoặc không) là lực lượng trung gian, "bôi trơn", giữ vai trò kết dính chủ chốt các giao dịch trên thị trường. Sau hơn 2 năm liên tục tự đào thải, thanh lọc để tự vượt qua khó khăn, các sàn giao dịch "khỏe" hiện nay chỉ đếm được một vài cái tên thuộc liên minh R9+, hay G5 như Maxland, DTJ, Đất Xanh, THT, Kim Việt, Hợp Long…

Ngoài ra, những sàn "sinh sau đẻ muộn" theo dạng M&A khẳng định được uy tín với khách hàng cũng chỉ lác đác một vài như DVland, Markland (Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Dù nằm dưới sự bảo hộ của chủ đầu tư hay "tự làm tự ăn" bằng đủ phương cách, đa phần những người "có máu mặt" trong làng môi giới đều có tuổi đời khá "cứng".

Thuộc thế hệ 7x, chị Thanh Lan, môi giới chuyên hàng dự án chia sẻ: "Làm quen và gắn bó với nghề từ 2008, tôi đã trải qua đủ "sóng gió" thị trường và phải đánh đổi rất nhiều để tồn tại bằng nghiệp môi giới địa ốc. Tuy chưa qua bất kỳ trường lớp nào, nhưng với kinh nghiệm thị trường và quan hệ tích lũy trong giới thì khả năng "sểnh" giao dịch gần như không có".

Tình thế bỗng chốc trở nên nguy nan với những môi giới chưa biết "mùi" ngoại ngữ hay các đơn vị tư vấn ngoại

Chị Thanh Lan vừa tham gia thành lập một sàn giao dịch BĐS cùng 5 cộng sự (xấp xỉ tuổi) đến từ nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ khác trong ngành. Theo đó, tuổi đời sẽ mang lại cảm giác tin tưởng về "tuổi nghề" – sự "già dơ" của môi giới đó.

Hoàng (nguyên nhân viên môi giới sàn giao dịch Hải Phát) thừa nhận, điều làm nên một môi giới trước hết là kiên nhẫn, biết hy sinh để tích lũy kinh nghiệm theo thời gian. Xuất phát là một người làm việc liên quan tới dịch thuật và không biết gì về xây dựng hay BĐS, anh Hoàng trở thành một nhân viên môi giới rất nhanh, chỉ sau vài tháng. Đáng nói, sau khi liên tục "ngồi chơi xơi nước" và không đủ kiên trì để trụ lại nổi trong cơn "giá băng thị trường", Hoàng đành lòng về quê lấy vợ và mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng.

Học nhanh… còn kịp

Xưa nay, cái anh môi giới vẫn bị coi là "con buôn" – kẻ "lẻo mép" để dẫn dụ người mua xuống tiền, người bán gật gù và hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, đối với những ai dày kinh nghiệm "chinh chiến", con đường đến với sự tồn tại (chưa nói hái ra tiền) ngày càng nhiều "chông gai". Khách hiểu biết hơn, "tỉnh" hơn, cộng thêm phương tiện truyền thông phát triển rầm rộ, nên chuyện môi giới bị khách "ép ngược", cắt cầu diễn ra như cơm bữa.

Trở lại với đề tài học vấn – bằng cấp của môi giới hiện nay sẽ thấy mặt trái của những tấm bằng luôn hiện hữu. Không cần tới lớp, không cần mua giáo trình, cũng chẳng biết tên giáo viên khóa học, bất cứ cá nhân nào đang làm việc tại sàn cũng dễ dàng tự trang bị cho mình một chứng chỉ hành nghề theo luật định. Thậm chí, có người còn so sánh việc cấp tấm thẻ hành nghề môi giới – định giá BĐS với tình trạng "mua" chứng chỉ ngoại ngữ loại A, B, C.

Một góc khác, đó là đội ngũ thuộc quân số các sàn có chức năng đầu tư mạnh mẽ như Vingroup, Hud, Viglacera, Vinaconex, Nam Cường, Đất Xanh Miền Bắc… Sự khác biệt với phần còn lại được thể hiện qua việc nhân viên môi giới thường được đi học tại các khóa khóa đào tạo từ những đơn vị tư vấn ngoại (CBRE, Savills…) nhằm nâng cao, bồi dưỡng trình độ.

Xét diện chung, trình độ ngoại ngữ của những người hành nghề môi giới hiện chỉ vừa đủ giao tiếp với người nước ngoài. Ngôn ngữ được sử dụng phổ cập nhất vẫn là tiếng Anh (bên cạnh tiếng Trung, Nhật, Hàn Quốc). Trong đó, khảo sát nhanh tại một chợ môi giới BĐS là Trung Hòa – Nhân Chính, rất khó để tìm được một môi giới hiểu về nghề, am tường pháp lý BĐS và có thể giao dịch (lời nói và hợp đồng) bằng tiếng Anh. Theo anh Đức Hoàng, chuyên mảng kinh doanh cho thuê người nước ngoài, những lần soạn hợp đồng, phụ lục hợp đồng bằng tiếng Anh cho khách đều là "ác mộng". "Chạy đôn đáo tìm trung tâm dịch thuật, rồi lại sửa chữa theo đúng ý khách, chủ, có lần tôi phải làm gần 3 tuần mới hoàn thiện hợp đồng cho hai bên ký. Vì mình kém ngoại ngữ, lại thêm ông khách người Hàn không có phiên dịch, nên khó càng thêm khó", anh Đức Hoàng nói.

Trước hết, chỉ cần nói tới khả năng giao tiếp, làm việc (trên hợp đồng) bằng tiếng Anh của môi giới vẫn rất hạn chế. Điều này sẽ thực sự hạn chế khả năng tiếp cận khách hàng, xúc tiến thương vụ của môi giới Việt khi hành lang pháp lý về sở hữu, kinh doanh BĐS dành cho người nước ngoài rộng mở.

Thêm nữa, thành kiến về bằng cấp Việt Nam vốn ăn sâu trong tâm lý, đơn vị, doanh nghiệp "ngoại" càng tỏ ra khắt khe trong khâu sàng lọc, chấp nhận tuyển dụng môi giới chỉ "giàu kinh nghiệm", nhưng chưa qua đào tạo bài bản, theo tiêu chuẩn quốc tế. Thay vào đó, sẽ là cơ hội thênh thang cho những người đã và đang làm việc trong môi trường tư vấn ngoại.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh