Gần 20 sân golf đang hoạt động ở Việt Nam chưa phải là nhiều và cũng sẽ chưa thể “ầm ĩ” nếu như hơn 140 dự án sân golf đã quá dễ dàng được cấp phép. Khó mà kết tội được sân golf – mà “tội” bắt đầu từ bất cập chính sách.
Hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh” là hội thảo khoa học đầu tiên về sân golf do Tổng hội Xây dựng VN vừa tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của gần 100 nhà khoa học thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: địa chính, quy hoạch, kiến trúc, nông nghiệp, môi trường… đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội Golf VN và chủ các sân golf. Đó cũng là lần đầu tiên hầu hết người tham dự không tiếp tục “tấn công” phê phán vào các sân golf mà mổ xẻ những vấn đề đứng đằng sau đó.
Bất cập trong chính sách
Theo TS.KTS Lê Trọng Bình (Trưởng khoa Quản lý đô thị, Học viện Cán bộ Xây dựng và quản lý đô thị - Bộ Xây dựng), nếu nhìn nhận một cách khách quan, "hiện tượng" sân golf hiện nay là bình thường trong quá trình thu hút mọi nguồn lực để phát triển, tương tự nhiều lĩnh vực đầu tư phát triển khác đã xảy ra trong qua khứ.
Nhưng vấn đề tồn tại đầu tiên là thiếu một chính sách nhất quán để phát triển sân golf . Bằng chứng là, hiện nay các qui định quản lý quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng và kinh doanh thể thao golf - đang “dàn trải” tại các quy định pháp luật của một số ngành.
Thứ nhất, qui định pháp luật về qui hoạch xây dựng coi sân golf là loại hình công viên giải trí phục vụ công cộng. Do đó các tiêu chuẩn thiết kế, cơ chế quản lý… được áp dụng đối với loại hình khu chức năng phục vụ mục đích công cộng; nhu cầu người sử dụng, thị trường, hiệu quả kinh tế… ít được quan tâm trong qui trình lập, phê duyệt, triển khai dự án sân golf.
Thứ hai, theo Luật Du lịch, Thể thao, golf là loại hình du lịch thể thao - thuộc nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái, được ưu tiên phát triển. Căn cứ những quan điểm, mục tiêu trên và Chiến lược phát triển du lịch VN đến 2020, có thể hiểu sân golf không bị giới hạn về khu vực hạn chế phát triển. Bởi nó phát triển tùy thuộc vào nhu cầu thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, theo các quy hoạch phát triển Vùng, Trung tâm Du lịch cả nước (9 vùng, trung tâm), ở 64 tỉnh, Thành phố. Đó cũng là cơ sở để triển khai Qui hoạch xây dựng các dự án đầu tư sân golf tại địa phương.
Thứ ba, Luật Đất đai qui định đất xây dựng sân golf thuộc nhóm đất phi nông nghiệp (và cũng chưa rõ ràng cụ thể - nên mới có chuyện dùng đất nông nghiệp xây sân golf). Luật này qui định, việc quản lý sử dụng loại đất này được áp dụng đối với đất có mục đích kinh doanh. Chính vấn đề này dẫn đến việc các địa phương "thoải mái" chuyển đổi đất nông nghiệp trên địa bàn sang đất xây dựng sân golf (thành đất kinh doanh, để đem bán hoặc cho chủ đầu tư sân golf thuê). Và khi đã là đất kinh doanh, các yếu tố xã hội, công cộng, bảo tồn, khai thác, môi trường cảnh quan… chưa được quan tâm là rất dễ hiểu.
Như vậy, khó mà kết tội được sân golf – mà “tội” bắt đầu từ bất cập chính sách. TS Bình còn cho rằng, việc chỉ định địa điểm làm sân golf là việc của chính quyền – nhưng chính quyền lại thường trông vào các nhà tư vấn (quy hoạch). Tình trạng các nhà tư vấn quy hoạch của chúng ta thiếu nghiên cứu địa lý, xã hội, kinh tế… rất có thể đã tư vấn sai cho chính quyền.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, còn chỉ ra sự phát triển manh mún của các sân golf khiến chúng thiếu liên kết với phát triển đô thị, giao thông, du lịch, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội khác (mạnh địa phương nào địa phương nấy làm). Sự phát triển kiểu này sẽ để lại nhiều hậu quả cho kinh tế xã hội, và cho chính ngành golf VN nói chung.
Sân golf và mối liên hệ với đô thị: khoảng cách mong manh
“Sân golf có thể là động lực phát triển cho một số thành thị trong một thời điểm nhất định, song đồng thời cũng là sự ngáng trở cho đô thị ở giai đoạn trưởng thành. Đô thị là một thực thể luôn đổi thay. Ở các thành phố đông dân Châu Á, sự gia tăng mật độ và bành trướng ra mọi hướng lại càng rõ nét. Nhưng các sân golf, mãi mãi là vành đai xanh trong bản đồ quy hoạch, vùng có hiệu lực trong hàng chục năm sau. Tuy nhiên khoảng cách giữa sân golf và đô thị vẫn mong manh, nhất là khi vành đai xanh này không được định nghĩa và thực thi nghiêm túc trong quá trình đô thị hoá” - Đó là ý kiến của ThS.KTS Nguyễn Xuân Anh.
Ông Xuân Anh đề xuất, nên coi sân golf là thành phần của công viên tư nhân, vốn xa lạ ở VN nhưng lại thông dụng ở các nước phát triển. Cần gắn nó với cộng đồng dân cư đô thị bằng cách tạo điều kiện cho công viên tư nhân phát triển (trong đó có sân golf nhỏ). Ông cho rằng, 2 công viên Tuổi trẻ và Đống Đa ở Hà Nội được hoạch định có tới 30-40 năm qua, nhưng chỉ trông vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước nên không thực hiện được. Hai nơi này đã trở thành khu ổ chuột và xóm liều rất khó xử cho thành phố. Vậy, vấn đề tư nhân đầu tư xây dựng và khai thác công viên rất nên trở thành nội dung xã hội hoá đầu tư. Để cho thành phố nào cũng có thể có 15-18% quỹ đất cây xanh thực sự chứ không chỉ trên các bản vẽ qui hoạch như hiện nay.
Một nhận định được đồng thuận cao, cho rằng sự phát triển sân golf ở VN là tất yếu. Chỉ có điều chúng ta chưa nghiêm túc chuẩn bị những điều kiện pháp lý cho sự phát triển, chưa thấy hết tiềm năng của một ngành kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội là cung cấp việc làm, khoảng không gian xanh, tiêu dùng các dịch vụ xung quanh nó, góp phần đưa một lượng lớn khách du lịch đến với đất nước…
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới