Sau những buổi lễ ra mắt hoành tráng, nhiều sàn giao dịch địa ốc hoạt động cầm chừng, cá biệt, có những sàn giao dịch đã “khai tử” một cách lặng lẽ.
Theo công bố của Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), đến thời điểm này, trên địa bàn cả nước đã có hơn 20 sàn giao dịch bất động sản đạt chuẩn theo các quy định của Thông tư số 13/2008/TT-BXD. Trong đó có những sàn giao dịch của các công ty lớn, như sàn giao dịch của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Sàn giao dịch bất động sản Nam Cường hay VPbankreit của Công ty cổ phần Quỹ Đầu tư bất động sản Ngân hàng TMCP Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam...
Xét về mặt số lượng thì đây là một bước tiến vượt bậc của thị trường bất động sản Việt Nam, vì từ năm 2007 trở về trước, sàn giao dịch bất động sản còn là một khái niệm xa lạ với cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay, để đối phó với quy định của Bộ Xây dựng là từ quý I/2009, các dự án bất động sản phải được giao dịch qua sàn, nhiều sàn giao dịch bất động sản đã được thành lập một cách chóng vánh và hiện đã có tới hàng trăm sàn giao dịch.
Từ góc độ của một chủ đầu tư, ông Trần Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty Vinaconex - ITC cho rằng, sự ra đời nhiều sàn giao dịch là tín hiệu tốt của thị trường bất động sản. “Tham gia thị trường, chúng ta phải chấp nhận quy luật của thị trường. Sự ra đời của một sàn, nhiều sàn hay rất nhiều sàn ở các quy mô khác nhau, chất lượng khác nhau... là vấn đề của thị trường và chúng ta phải hoàn toàn chấp nhận cạnh tranh đó. Mấu chốt là, sàn nào sẽ tồn tại được, sàn nào được khách hàng để ý đến? Cái đó, thị trường sẽ trả lời”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, sau khi được thành lập, không ít sàn giao dịch không có một dự án bất động sản nào niêm yết, tạo nên một sự lãng phí lớn tiền của rất lớn. Trong khi, để duy trì hoạt động của một sàn giao dịch bất động sản, chủ đầu tư phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Rất tiếc, sau những buổi lễ ra mắt hoành tráng, nhiều sàn giao dịch địa ốc hoạt động một cách cầm chừng, cá biệt, có những sàn giao dịch đã “khai tử” một cách lặng lẽ.
Câu chuyện về Trung tâm Giao dịch bất động sản Hà Nội (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) là một ví dụ. Được thành lập năm 2005, với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, khi ra đời, nó được kỳ vọng sẽ là nơi niêm yết các thông tin chính thức về thị trường nhà, đất, thông tin quy hoạch, các chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2008 (trước khi có quyết định giải thể), tức là sau gần 2 năm chính thức đi vào hoạt động, không có bất kỳ dự án bất động sản nào được rao bán tại đây.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giao dịch bất động sản Hà Nội, lý do khiến các chủ đầu tư ngại mang các dự án đến sàn giao dịch là vì quy định của Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện phần móng mới được rao bán nhà, trong khi nhiều chủ đầu tư mới chỉ có phê duyệt dự án hoặc quy hoạch chi tiết 1/500 đã bán cho khách hàng. Nếu niêm yết công khai thì có nghĩa là họ đã vi phạm luật.
Mong muốn lớn nhất của ông Minh là xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về bất động sản của Thành phố, trong đó sơ đồ, vị trí, đặc điểm... của từng thửa đất, từng ngôi nhà trên địa bàn Thành phố sẽ được cập nhật một cách đầy đủ để những ai có nhu cầu có thể tìm hiểu thông tin một cách dễ dàng. Tuy nhiên, dự định của ông Minh chưa thực hiện được thì cuối năm 2008, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định giải thể trung tâm này mà không đưa ra bất cứ lý do gì.
Trở lại câu chuyện về sự ra đời của hàng chục sàn giao dịch địa ốc, cả chính thức và không chính thức, trong thời gian gần đây, theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ - một chuyên gia về thị trường bất động sản Việt Nam, việc buộc các công ty kinh doanh nhà dự án phải giao dịch qua sàn trong thời điểm này là tương đối phù hợp, nhưng về lâu dài sẽ không khả thi, bởi bản chất của sàn giao dịch là sự tự nguyện tham gia của người mua, người bán và người quản lý sàn.
“Những đối tượng này tham gia sàn giao dịch khi và chỉ khi sàn mang lại lợi ích thực sự cho các bên. Việc quy định bắt buộc các công ty kinh doanh bất động sản thành lập sàn giao dịch mà các sàn này không có mối liên hệ với nhau và các yếu tố kỹ thuật không tương thích, thì hoạt động của các sàn này rất dễ mang tính hình thức”, ông Võ nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư