Đầu tư khoảng 1,200 tỉ đồng để mở rộng 1.5 km đường nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe tại cửa ngõ Tây Nam TPHCM và để phát triển kinh tế ở hai quận Tân Bình và Tân Phú
Đường Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý cùng với đường Cộng Hòa (nằm trên địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú-TPHCM) hợp thành tam giác “điểm nóng” thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do phải gánh chịu khối lượng lớn lưu lượng xe từ hướng Tây Bắc TP đổ về.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ phát triển hỗn loạn của giao thông khu vực này, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1-Sở GTVT TPHCM đang chuẩn bị khởi động dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ, dài 880 m) và Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa, dài 630 m) để giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực Trường Chinh – Cộng Hòa, Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý và Trường Chinh – Âu Cơ.
Đường Tân Kỳ Tân Quý sẽ được mở rộng từ 12 m lên 30 m. Ảnh: Tấn Thạnh
|
Ùn tắc đã “tới hạn”
Khu vực trên tạo thành nút thắt cổ chai của dòng giao thông giữa khu vực nội ô và ngoại vi phía Tây TP. Kết quả nghiên cứu vào tháng 11-2010 của đơn vị nghiên cứu dự án cho thấy phần lớn hướng đi ra – vào trên các trục đường này đều ùn tắc hoặc trong trạng thái “tới hạn”.
Mức tắc nghẽn lớn nhất xảy ra trên đường Tân Kỳ Tân Quý và giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý. Theo quan sát của chúng tôi, các phương tiện, đặc biệt là xe máy, thường lấn gần hết phạm vi làn đường ngược chiều trên đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý vào giờ cao điểm sáng, chiều. Trong trường hợp có ô tô chết máy hoặc xảy ra tai nạn giao thông thì ùn tắc lập tức kéo dài.
Số liệu đếm xe cho thấy vào buổi sáng, lượng xe máy đổ vào trung tâm TP qua đường Trường Chinh lên đến 8,300 – 9,400 xe/giờ, trên đường Tân Kỳ Tân Quý cao nhất khoảng 6,000 xe/giờ. Buổi chiều, số lượng xe đi ra khỏi trung tâm TP trên đường Trường Chinh tăng vọt lên gần 11,000 xe/giờ.
Dự báo, ùn tắc giao thông toàn TP và cả ở khu vực này sẽ xảy ra nghiêm trọng nhất vào năm 2015. Thời điểm này, lượng xe tiếp tục tăng trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa có thay đổi nhiều so với thời điểm hiện tại.
Đến năm 2015, lượng xe đi qua khu vực này tăng lên từ 1.4 – 1.5 lần, trong trường hợp đã mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý thì khả năng đáp ứng lưu lượng xe ở trạng thái bình thường, có thể nói về cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực. Tuy nhiên, một số đường dẫn trong khu vực trên vẫn còn bị ùn tắc trong trạng thái “tới hạn” và điều này có thể được khắc phục bằng sự tính toán chu kỳ đèn giao thông hợp lý.
Kết nối giao thông đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1, cho biết để phù hợp với quy hoạch đường Trường Chinh, từ đoạn Tham Lương – Cộng Hòa, phần đường mở rộng sẽ có lộ giới 60 m, còn đường Tân Kỳ Tân Quý sẽ được mở rộng lên 30 m (hiện tại 12 m).
Theo ông Toàn, với quy hoạch như trên, hai tuyến đường này sẽ kết nối đồng bộ với các dự án lân cận, đặc biệt là tuyến xe điện mặt đất số 2 và số 6 tại ga Bà Quẹo, đồng thời giải quyết triệt để tất cả các giao cắt gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là nút giao Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý.
Cũng theo ông Toàn, tổng mức đầu tư để mở rộng hai tuyến đường trên chỉ vào khoảng 200 tỉ đồng (đường Trường Chinh khoảng 147 tỉ đồng), trong khi chi phí dành cho giải phóng mặt bằng lại khá cao. Ở dự án mở rộng đường Trường Chinh, dự kiến kinh phí để giải phóng mặt bằng khoảng 870 tỉ đồng, vượt cả phần kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi. Ở dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, kinh phí giải phóng mặt bằng nhỏ hơn, khoảng 121 tỉ đồng.
Như vậy, tính chung cả hai dự án này, tổng kinh phí bỏ ra để mở rộng 1.5 km đường lên đến khoảng 1.200 tỉ đồng. “Tuy kinh phí xây dựng dự án lớn và giải phóng mặt bằng khá nhiều nhưng việc mở rộng hai tuyến đường trên là điều cần thiết, nhất là đáp ứng giao thông ở cửa ngõ Tây Nam TP trong tương lai và sự phát triển kinh tế ở hai quận Tân Bình và Tân Phú”- ông Toàn nói.
Giải tỏa trắng hơn 240 hộ dân
Để thực hiện dự án trên, dự kiến có 130 hộ dân ở quận Tân Bình và 114 hộ dân ở quận Tân Phú bị giải tỏa trắng, chủ yếu nằm ở các đường: Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, Cộng Hòa, Âu Cơ, Tân Sơn Nhì. Theo nhận định, phần giải phóng mặt bằng ở quận Tân Bình sẽ dễ dàng hơn vì từ trước đến nay, quận này quản lý quy hoạch lộ giới tuyến đường Trường Chinh 60 m, đồng thời nhà cửa trong khu vực này đều có kết cấu tôn, gạch và thấp tầng, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động