Top

Mê Linh về Hà Nội: Âu lo hậu sáp nhập

Cập nhật 26/04/2008 11:00

Thị trường đất đai ở huyện Mê Linh chưa nóng như ở Hà Tây, dù giá đất và lượng người mua tăng. Còn người Mê Linh thì vẫn bình thản trước thông tin vùng đất giàu lịch sử này sẽ lại về với thủ đô.

Đất: Chưa "nổi sóng"

Bà chủ của trung tâm môi giới nhà đất tại thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, cho biết: Cuối năm 2007, giá đất thổ cư, mặt đường là 4,7 triệu đồng/m2, nay đã tăng gần gấp đôi: 8 triệu đồng/m2. Những mảnh đất sát với Bệnh viện Đa khoa Mê Linh sắp khánh thành và khu sinh thái đang xây dựng có giá cao hơn, khoảng 10 triệu đồng/m2. Đất ở trong ngõ, giá từ 2 đến 5 triệu đồng/m2.

Còn một chủ đất tại thôn Đại Bái (Đại Thịnh) cho biết: "Cách đây gần 1 năm, tôi mua 100m2 (có thêm phần đất lưu không khoảng 100m2) chỉ có 6 trăm triệu đồng, bây giờ có người trả tôi 1 tỉ 1 trăm triệu đồng mà tôi chưa thèm gật, phải 1,3 tỉ đồng thì tôi mới bán".

Theo một trung tâm nhà đất tại xã Tiền Phong, những mảnh đất nằm sát mặt đường có giá 15-16 triệu đồng/m2, trong ngõ thì chỉ từ 2-3 triệu đồng/m2. Nhưng cũng có nơi, như tại thôn Đại Bái, đất thổ cư có thêm phần đất lưu không được "hét" với giá 18-20 triệu đồng/m2.

Mặc dù thị trường chưa sôi động, nhưng đã xuất hiện nhiều nhà đầu cơ cấp làng. Họ sẵn sàng thế chấp nhà cửa để vay ngân hàng, hoặc vay "nóng" với lãi suất cao, mua, rồi "găm" đất chờ giá tăng. Dọc quốc lộ 23, những nhà môi giới nhà đất hầu hết đều kiêm dịch vụ cho vay.

Một ông chủ Trung tâm môi giới nhà đất tại thôn Nội Đồng tiết lộ: Nếu chỉ cần vài trăm triệu đồng thì người ta vay ngân hàng, còn đến hàng tỉ thì vay nóng. Lãi suất thì phải tuỳ theo độ thân quen và số lượng tiền vay mới định được. Cả thôn này đã có khoảng 10 người vay tiền để kinh doanh đất".

Việc mua bán đất nông nghiệp hầu như không có. Người dân tại đây sống dựa vào mảnh đất (nhiều người còn thuê thêm đất để trồng trọt) nên không háo hức bán đất như một số nơi ở Hà Tây. Một số người thì e ngại: Nếu bán trong thời điểm nhạy cảm này có thể bị hớ. Còn các công ty cần giải phóng mặt bằng sẵn sàng mua trực tiếp người dân với giá 100 triệu đồng/sào.

Người: Bình thản

"Về Hà Nội hay ở Vĩnh Phúc thì cũng vậy cả mà. Ở đâu thì người nông dân chúng tôi cũng phải làm lụng để kiếm sống thôi. Nhưng về HN thì có lẽ tốt hơn" - chị Nguyễn Thị Hoa, xã Mê Linh (xã chuyên trồng hoa, rau) mỉm cười.

Điều chị quan tâm nhất khi được trở thành "người HN" đó là: Khi ốm đau thì có thể chuyển trực tiếp lên bệnh viện trên thủ đô đúng tuyến, chứ không phải qua Phúc Yên, xin giấy chuyển viện, rồi mới ngược lên HN như trước.

Bác Nguyễn Anh Tỉnh - xóm Ao Sen, xã Mê Linh - thì nhìn nhận: "Khi về HN thì người nông dân như các bác có cơ hội thụ hưởng cơ sở hạ tầng tốt hơn".

Có vẻ như do từng nếm trải cảm giác trở thành người thủ đô của thời cách đây mấy chục năm nên người Mê Linh thấy chuyện về với HN là bình thường. Đất đai, việc sáp nhập không phải là những chủ đề bàn tán rôm rả của những người nông dân chân lấm tay bùn.

Điều mà người nông dân xã Tiền Phong, xã Mê Linh, những nơi chuyên trồng hoa quan tâm nhất lại là chuyện của... hậu sáp nhập. Trong tương lai, những cánh đồng hoa này có nguy cơ bị xoá sổ khi hàng loạt dự án đã được triển khai.

Chị Nguyễn Thị Hảo, xã Mê Linh ngậm ngùi: "Chả lãi là bao, nhưng có mảnh đất để trồng hoa thì vẫn nhì nhằng sống được, chứ nếu bị thu hồi đất, thì gia đình tôi không biết bấu vào đâu để sống. Một cục tiền nhận thì nhoằng cái sẽ hết".

Theo Lao Động