Top

Mất tiền vì sốt đất ảo sân bay

Cập nhật 16/03/2021 11:38

Các cơn sốt đất diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí vài ngày khiến nhiều nhà đầu tư và những người nhẹ dạ cả tin ngậm trái đắng thua lỗ, bán không có ai mua.

Thông tin về sân bay Técníc (H.Hớn Quản, Bình Phước) khiến “cò”, nhà đầu tư đổ về đây nhưng rồi nhanh chóng lắng xuống - ẢNH: ĐÌNH SƠN

Chôn vốn ở các sân bay “trên giấy”

Dù môi giới đồn thổi thông tin giao dịch liên tục thành công, nhiều hộ dân dọc tuyến đường liên xã An Khương và Tân Lợi được cho là đã có chủ mới “cọc” mua đất, nhưng hơn 2 tuần sau khi cơn sốt đất ở sân bay Técníc (H.Hớn Quản, Bình Phước) qua đi, hiện không thấy ai nói là đã bán đất xong hay đã “giao dịch thành công”. Một người làm trong nghề môi giới đất đai (xin giấu tên) tại địa phương cho biết: Những ngày gần đây có nghe thông tin một số nhà đầu tư, có cả môi giới không lướt sóng kịp, nên đã quay lại chủ đất xin lại tiền cọc trước đó.

Thời điểm này, giới đầu cơ đến sau như ngồi trên lửa khi những lô đất đã “cọc” trước đó giờ không thể lướt sóng được nữa. 2 phương án có thể xảy ra, 1 là chấp nhận bỏ “cọc”. Hai là ôm bất động sản với giá trị “trên trời”, không biết khi nào mới có thể bán được.

Nhưng không vì thế mà các cơn sốt ảo bị dập tắt. Trong mấy ngày qua, tại các ngả đường vào dự án Cảng hàng không Phan Thiết (còn gọi là sân bay Phan Thiết) ở xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết, Bình Thuận), có một lượng “khách lạ” cùng hàng đoàn xe ô tô biển số Hà Nội, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, TP.HCM đổ xô về đây để theo dõi các hoạt động giao dịch bất động sản. Tại các quán cà phê ở xã Thiện Nghiệp, họ đến chật quán không còn chỗ ngồi.

Lượng người và xe đông đến nỗi Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết phải có công văn gửi Công an TP, Phòng TN-MT và chính quyền xã giám sát chặt, tăng cường tuần tra, kiểm tra các giao dịch mua bán đất đai có dấu hiệu trái pháp luật tại đây. Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cũng có thông báo phát trên hệ thống loa, cắm bảng thông báo: “Nơi đây không có bất cứ dự án đất nền nào được cấp phép”. Tuy vậy, lượng người buôn bán đất đổ về đây vẫn không ngớt.

Sở dĩ có tình trạng này là trước đó, báo chí đưa tin, ngày 5.3 thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thị sát dự án sân bay Phan Thiết. Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cùng ngày, thượng tướng Trần Đơn khẳng định sân bay này sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư công để xây dựng và sẽ triển khai thi công các hạng mục quân sự ngay trong tháng 3 này.
Thông tin về sân bay Técníc (H.Hớn Quản, Bình Phước) khiến “cò”, nhà đầu tư đổ xô về đây nhưng rồi nhanh chóng lắng xuống - ẢNH: ĐÌNH SƠN

“Đây chính là thông tin mà khách hàng buôn bán đất từ các tỉnh phía bắc chờ đợi từ lâu. Họ đã đầu tư nhiều tiền mua đất tại đây rồi, nhưng sân bay thì khởi công mấy năm nay mà không thi công. Tiền đầu tư đất của họ nằm trong đó mà không bán được đất nên bây giờ có thông tin mới là họ thổi giá để bán đất, thu tiền về”, ông Nguyễn Hữu L., một người môi giới tại Phan Thiết, nhận xét. Tuy nhiên, một “cò đất” khác ở xã Thiện Nghiệp cho rằng: “Họ tập trung đông vậy thôi, nhưng giờ bán đất rất khó và không có giá cao như trước đâu. Hơn nữa, sau vụ án mà Chủ tịch và Phó chủ tịch TP.Phan Thiết bị vướng vòng lao lý, các nhà đầu tư đã cảnh giác hơn với các giao dịch có tính ảo hơn là thực”.

Trước đó thông tin Công ty TNHH Hồ Tràm xây dựng sân bay chuyên dùng phục vụ khách du lịch Hồ Tràm tại H.Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) trên diện tích gần 250 ha, đường băng dài 2.400 m, tổng kinh phí xây dựng gần 4.500 tỉ đồng do doanh nghiệp tự đầu tư cũng đã làm cho giá nhà đất tại khu vực này lên cơn sốt. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau giá đất đã hạ nhiệt khi đây chỉ mới là đề xuất và một lượng tiền không nhỏ của giới đầu cơ tháo chạy không kịp cũng nằm tại đây.

Làm lợi cho “cò”, giới đầu cơ

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, thông tin một địa phương nào đó được đầu tư sân bay đẩy giá bất động sản tăng nhiều lần bởi có sự hoạt động mạnh mẽ của giới đầu cơ, nắm bắt thông tin quy hoạch trước, dùng tài chính nhiều đi thu gom quỹ đất, hoặc lập hội đi gom đất. Khi đã đặt cọc được một lượng đất đáng kể, nhóm người này sẽ kết hợp với cò đất, môi giới địa phương tung tin, thậm chí bỏ tiền ra mua bài quảng cáo trên báo chí, mạng xã hội về tiềm năng tăng giá của địa phương, làm cho các nhà đầu tư trên cả nước chú ý, đổ xô về tìm mua, qua một thời gian ngắn, giá đất đã được đẩy lên nhiều lần.

“Việc làm tăng giá đất chủ yếu diễn ra ở việc đặt cọc, người này mua 1 đồng sẽ được một người khác đặt cọc mua tăng lên 1,2 đồng, rồi người khác đặt cọc tăng lên 1,3 - 1,4 đồng. Cứ thế nhóm đầu nậu, cò đất liên tục đẩy giá, tạo cơn sốt khiến những người ham lời nhưng không có kiến thức, không tỉnh táo sẽ dễ dàng sập bẫy. Khi cơn sốt đất qua đi, cò đất, đầu nậu đã ôm tiền cao chạy, xa bay còn các nhà đầu tư cá nhân nằm lại chết chìm theo cơn sốt đất”, ông Dũng phân tích. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, đưa ra các nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất và liên tục ảo lặp đi lặp lại ở các địa phương khác nhau với cùng một kịch bản và cùng một cái kết.

Đầu tiên là, khi một địa phương được đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối tốt thì giá nhà đất theo đó tăng lên khá nhanh; Thứ hai là những nhà đầu tư thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, dễ bị tác động bởi hiệu ứng đám đông nhưng muốn lời nhiều đã “lao” vào, từ đó cơn sốt đất càng ngày càng tăng cao; Thứ ba là giới đầu cơ, cò đất tung tin tạo sốt đất; Thứ tư là trong các cơn sốt đất, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ mới đưa ra khuyến cáo bị động chứ chưa có cách gì để khắc phục tình trạng tiêu cực này. Chính vì vậy, các cơ sốt đất ảo chỉ làm lợi cho nhóm các nhà đầu cơ, nhóm cò mồi, còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, vượt xa giá trị thực của tài sản.

Không nên lao vào

Ông Nguyễn Văn Dũng nhận định các nhà đầu cơ, cò đất lợi dụng thông tin quy hoạch chủ yếu nhằm mục đích kiếm lợi nhuận rất cao, trong thời gian rất ngắn. Nhưng những người dân chưa hiểu rõ, chạy theo niềm tin tăng giá khi chưa tìm hiểu đúng về sản phẩm nên mua phải đất có nguồn gốc không xác định, đất vào quy hoạch, đất chưa có đủ pháp lý, nông nghiệp hoặc mua phải giá quá cao. Khi nhà đầu tư đi trước đã chốt lời, đội cò đất rút đi, giá tụt không phanh và không có giao dịch, thì rủi ro, thiệt thòi hoàn toàn thuộc về người mua cuối.

Quảng Trị sốt ảo do “cò” đất thi nhau thổi giá

Những tháng đầu năm 2021, đất ở khu vực được quy hoạch làm sân bay Quảng Trị ở xã thuần nông Gio Quang (H.Gio Linh), cách TP.Đông Hà khoảng 8 km đã “nóng hổi”. Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio Quang, cho hay từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, giá đất đã tăng lên 300 - 400 triệu đồng mỗi lô (diện tích 1,5 ha/lô), dù chỉ là đất cát, đất trồng tràm và vài tháng trước rao bán không ai mua. Ngay cả đất sản xuất đã cấp cho các hộ dân ở khu tái định cư để giãn dân, cách vị trí quy hoạch xây dựng sân bay khoảng 2 km cũng đã được “thổi” giá lên từ 1,5 - 1,7 tỉ đồng cho lô có diện tích 3.000 m2.

UBND H.Gio Linh chỉ đạo chính quyền xã Gio Quang tập trung tuyên truyền, vận động người dân không chuyển nhượng đất và không nghe lời “cò” đất mà mua bán đất ồ ạt.

Nguyễn Phúc


“Trước khi “xuống tiền”, người mua phải tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương; pháp lý bất động sản; giá trị sử dụng thực của đất. Phải tỉnh táo trước những lời đường mật của cò đất, xem tiềm năng đất đai khu vực đó có thật sự cân xứng với giá đất hay không. Đồng thời phải tính toán đến giá trị sinh lời của bất động sản khi thực hiện dự án sân bay, quy hoạch hạ tầng. Không những thế, phải cân đối được tài chính của mình khi lựa chọn mua bất động sản, khi phải có tài chính dài hạn, không đi vay để đầu tư lướt sóng. Không nên lao đầu vào các cơn sốt đất. Càng sốt đất càng phải thận trọng”, ông Dũng đưa ra lời khuyên.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên